Xác minh, xử lý kênh YouTube “Những bài học nhỏ” vì giật tít, câu view về Làng Nủ

Công an Hà Nội đang trong quá trình xác minh, xử lý đối với kênh YouTube “Những bài học nhỏ” do có hành vi giật tít, câu view liên quan tới thảm họa tại Làng Nủ thời gian qua.

Tối 16/9, trên kênh YouTube có tên “Những bài học nhỏ” đã đăng tải một video với ảnh đại diện và tiêu đề gây sốc “Quả báo Làng Nủ Lào Cai”. Nội dung video kéo dài hơn 42 phút, dù tiêu đề đề cập tới Làng Nủ nhưng lại không hề đề cập đến sự kiện thảm họa đã xảy ra tại đây.

Kênh YouTube “Những bài học nhỏ” thường đăng tải những nội dung hoạt hình về giáo dục trẻ em với hơn 324.000 người theo dõi. Ngay sau khi video được đăng tải đã khiến cộng đồng Việt phẫn nộ vì hành vi câu views, câu like, trục lợi trên nỗi đau của người dân.

Kênh YouTube "Những bài học nhỏ" có hành vi giật tít, câu view liên quan tới thảm họa tại Làng Nủ, gây bức xúc dư luận.

Chủ kênh “Những bài học nhỏ” đã phải gỡ bỏ ảnh đại diện gây tranh cãi, đổi tên và ẩn kênh để tránh làn sóng phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng. Mặc dù vậy, sự phẫn nộ của người dân đối với kênh YouTube này vẫn gay gắt, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý kịp thời đối với hành vi này.

Theo các nguồn tin, hiện công an thành phố Hà Nội đang trong quá trình xác minh, xử lý đối với chủ kênh YouTube này.

Trước đó, liên quan tới các thông tin về bão số 3 và ảnh hưởng hoàn lưu bão tới các tỉnh thảnh phía Bắc, trên các kênh mạnh xã hội, internet xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin không chính xác khiến người dân hoang mang. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý vì hành vi phát tán thông tin giả này, tuy nhiên tình trạng vẫn không hoàn toàn chấm dứt. Nhiều đối tượng vẫn phát tán thông tin, ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng.

Bộ TT&TT cùng cơ quan chức năng nhiều địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền tin đồn thất thiệt nhằm đảm bảo môi trường mạng được an toàn, trong sạch, người dân được tiếp cận với các thông tin chính xác.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) thì hiện nay, Bộ TT&TT đang duy trì hoạt động của Trung tâm xử lý tin giả. Đây là nơi chuyên tiếp nhận và xử lý các thông tin sai lệch.

Không chỉ ở cấp bộ ngành trung ương, hiện đã có 9 địa phương trên cả nước thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả. Bộ phận này đã góp phần quan trọng vào việc phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương để đưa ra cảnh báo và bác bỏ các thông tin thất thiệt nhằm trấn an dư luận.

Đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh: “Người dân cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin qua báo chí chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết”.

Nhiều chủ kênh, tài khoản mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng triệu tập, xử phạt vì hành vi phát tán tin giả, tin không chính xác liên quan tới bão số 3.

Liên quan tới công tác xử phạt các hành vi truyền bá thông tin giả liên quan tới bão số 3 thời gian gần đây, Quảng Ninh đã tiến hành xử lý người tung tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, gây hoang mang lớn trong dư luận. Hải Dương cũng đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ.

Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hoà.

Kênh YouTube dàn dựng nội dung về một người mẹ bế con ngồi trong thau tại Hà Giang cũng đã bị cơ quan chức năng tỉnh này xử phạt. Các đối tượng tuyên truyền thông tin sai lệch về em bé lạc mẹ trong lũ tại tỉnh này cũng đã bị triệu tập xử lý ngay sau đó.