Tin giả ngập tràn mạng xã hội trong thời gian bão lũ, người dân cần tỉnh táo xác thực trước khi chia sẻ

Trong khi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nỗ lực triển khai các công tác cứu hộ, cứu nạn cho người dân tại các tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trên mạng xã hội lại liên tục ghi nhận những tin giả để câu like, câu view khiến dư luận bức xúc.

Hình ảnh người chồng cố gắng đẩy vợ con trong chậu, di chuyển trong khu vực ngập nước được cho là tại xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua đã thu hút không ít sự quan tâm, đồng cảm của người dân. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc xác định, người dùng mạng xã hội mới “ngã ngửa” khi UBND xã Ngọc Linh lên tiếng cho biết đây là nội dung trong một video của YouTuber của vợ chồng anh Phạm Xuân Dư (trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh). Vợ chồng anh Dư là YouTuber tại địa phương. Hình ảnh này là một trong những nội dung anh Dư thực hiện vào thời điểm mưa lũ để đăng lên mạng.

tin-gia-1726211768.jpg
Hình ảnh gia đình tại xã Ngọc Linh di chuyển trong cơn lũ khiến nhiều người dùng mạng xã hội xót xa thực tế lại là hình ảnh dàn dựng được đăng tải trên YouTube.

Việc dàn xếp hình ảnh kể trên nhanh chóng khiến dư luận bất bình khi cả nước đang dồn sự quan tâm về những nơi mà bão số 3 và hoàn lưu bão đi qua, gây ra không ít thiệt hại về người và tài sản cho người dân, nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận thương tâm cần được trợ giúp khẩn cấp.

em-be-meo-vac-1726211918.jpg
Hình ảnh em bé ở Mèo Vạc khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi cũng không đúng với thực tế.

Chưa hết, hình ảnh một em bé khóc nức nở chạy trên đường vì “mẹ bị lũ cuốn trôi” cũng đã lấy đi không ít nước mắt xót xa của người dùng mạng xã hội Việt. Thế nhưng, sau đó một giáo viên ở điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) lên tiếng lại tiếp tục khiến những người quan tâm bất ngờ. Theo nội dung cô giáo chia sẻ, hình ảnh em bé khóc đã được ghi lại từ 1 năm trước và gia đình bé vẫn đầy đủ cả bố mẹ. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cũng đã kiểm chứng và xác nhận là hoàn toàn chính xác.

Trong đau thương, mất mát, những hình ảnh thiệt hại về người, tài sản, về cuộc sống vất vả của người dân vùng mưa lũ khiến nhiều người xót xa. Vì vậy, khi có thông tin được lan truyền về việc xuất hiện hàng chục thi thể trôi dạt vào bờ tại bãi biển của TP. Cẩm Phả, lãnh đạo địa phương đã ngay lập tức vào cuộc và khẳng định đó là tin sai sự thật. Cơ quan công an tỉnh này cũng đã tiến hành làm việc và xử phạt đối với chủ tài khoản Facebook “Song An hải sản” là bà Đ.T.H.

bac-thong-tin-vot-duoc-hang-chuc-xac-nguoi-tren-bien-o-cam-pha-4704-1726212025.png
Cơ quan chức năng đã bác thông tin tại bãi biển của TP Cẩm Phả xuất hiện hàng chục thi thể trôi dạt và đã xử lý người tung tin trên Facebook.

Không chỉ chia sẻ những hình ảnh giả mạo, thông tin sai lệch nhằm thu hút sự chú ý, câu view, câu like, nhiều thông tin không được kiểm chứng trên mạng cũng gây ra không ít hệ lụy cho người dân. Ngày 10/9, tại xã Kinh Môn, (Hải Dương), nhiều người đã đổ xô ra cây xăng xếp hàng mua nhiên liệu, chen lấn trong chợ để mua, tích trữ thực phẩm, khiến cho giá cả bị đẩy lên cao. Nguyên nhân được xác định, xuất phát từ một bài đăng trên Facebook với nội dung “vỡ đê sông Kinh Thầy” gây hoang mang dư luận. Đối tượng lan truyền tin giả sau đó đã bị công an thị xã Kinh Môn lập hồ sơ xử lý, xử phạt theo quy định.

Thông tin “vỡ đê” tại một số con sông trên địa bàn Thái Bình, Hải Dương...cũng được chia sẻ, lan truyền trên mạng khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

vo-de-1726212115.jpg
Công an Hải Dương đã triệu tập và xử phạt 5 đối tượng tung tin đồn thất thiệt về mưa lũ, vỡ đê, gây hoang mang dư luận.

Đáng chú ý, không chỉ đưa tin không kiểm chứng, tin giả, mạng xã hội còn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều nhóm, fanpage có mục đích lan truyền thông tin giả như: Người dân ở vùng bão lũ mất điện không có Wi-Fi, có thể nhập theo cú pháp gửi 191 áp dụng cho thuê bao mạng Viettel. Các đối tượng xấu còn lưu ý người dân những cú pháp này chỉ áp dụng cho những khu vực bị bão lũ, bị mất điện, mất kết nối Internet, còn khu vực khác có nhập cú pháp này cũng không sử dụng được. Viettel sau đó đã phải lên tiếng cảnh báo người dân về thông tin sai sự thật này.

Đứng trước tình hình diễn biến phức tạp của các thông tin giả, thông tin sai sự thật kể trên, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân cần tỉnh táo với nội dung trên mạng xã hội; nên theo dõi thông tin chính thức tại các website, báo chí chính thống của các cơ quan, tổ chức Nhà nước; không chia sẻ thông tin khi chưa kiểm chứng chính xác.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những người dùng mạng xã hội tung tin sai sự thật để tránh tình trạng tái diễn. Đồng thời, người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao tinh thần kiểm chứng, xác thực thông tin trước khi chia sẻ, không nên để các đối tượng xấu trục lợi, câu like, câu view lợi dụng, vô tình góp phần phát tán tin giả, ảnh hưởng tới hoạt động, uy tín của các cơ quan chức năng, đoàn thể và doanh nghiệp, đặc biệt trong các hoàn cảnh bão lũ, thiên tai như thời gian qua.

Phạt tới 20 triệu đồng đối với hành vi lan truyền tin giả trên mạng xã hội 
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Cụ thể, Điều 101 của Nghị định quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật…

Trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.