Bất động sản xanh hút nhà đầu tư quốc tế

Các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm các loại hình bất động sản xanh, thân thiện với môi trường, tuy nhiên nguồn cung này tại Việt Nam chưa có nhiều.

Nhu cầu tìm kiếm tăng cao

Một khảo sát hồi quý III/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu  Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, nhu tìm kiếm bất động sản xanh của các nhà đầu tư nước ngoài đang cao. Cụ thể, 80% doanh nghiệp châu  Âu được hỏi cho rằng, việc tuân thủ các tiêu chí ESG (bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững, xét yếu tố môi trường, xã hội và quản trị) là quan trọng ở mức độ cao và vừa phải.

Hồi tháng 8 vừa qua, tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Bruni Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn những loại hình bất động sản có các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Điều này là lợi thế cho các khu công nghiệp xanh thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.

Theo vị tổng giám đốc này, nhu cầu về bất động sản xanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng cao. Các nhà đầu tư sẽ ngày càng quan tâm đến việc phát triển bền vững và sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

Một khu công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mặt trời tại Bình Dương. Ảnh: Báo Bảo vệ Pháp luật

Chung nhận định, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư quốc tế đang tập trung nhiều vào các chỉ số môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) hơn bao giờ hết. Trong năm 2020, các nhà đầu tư từ quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã chi 288 tỷ USD vào các tài sản bất động sản ESG, tăng 96% so với năm 2019. Điều này được thúc đẩy bởi vì các nhà đầu tư nhận ra rằng các công ty tập trung vào ESG và giảm lượng khí thải carbon sẽ mang lại cho họ những khoản đầu tư vượt trội hơn so với các công ty cùng ngành.

Còn tồn tại nhiều thách thức

Một trong những thách thức của việc phát triển bất động sản xanh tại Việt Nam là nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu trong thực tế. Trong khi đó, tỷ lệ không gian xanh ngày càng thu hẹp bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, tỷ lệ trung bình diện tích cây xanh trên đầu người dân TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,55 m2/người. Ước tính, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh để bảo đảm đủ không khí trong lành cho cuộc sống.

Giới chuyên gia cho rằng, việc phát triển bất động sản xanh vẫn đang gặp phải nhiều rào cản nên số lượng sản phẩm đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này chưa đạt mức kỳ vọng. Tiêu biểu như việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thường có chi phí cao hơn các vật liệu thông thường. Điều này là một trở ngại lớn cho các chủ đầu tư khi phát triển dự án.

Bất động sản xanh là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Ảnh: Vietnamnet

Theo ông Matthew Clifford - Giám đốc Phát triển bền vững & ESG của Cushman & Wakefield khu vực châu Á Thái Bình Dương, qua nhiều buổi làm việc và trao đổi, ông nhận thấy hầu hết các nhà đầu tư bất động sản đều đang phải trải qua nhiều thử thách để đạt được các tiêu chí phát triển xanh. Các nhóm doanh nghiệp cam kết mục tiêu vào năm 2030 bắt đầu nhận ra rằng thời gian không còn nhiều. Họ bắt đầu phân vân về việc có cần tăng gấp đôi hoặc gấp ba nỗ lực để bù đắp cho tiến độ trì trệ những năm qua, hay phải bán đi những tài sản hoạt động kém hiệu quả và điều chỉnh lại danh mục đầu tư của mình khi thời điểm cam kết đang đến gần.

“Các nhà đầu tư mà chúng tôi trao đổi biết răng tính bền vững là quan trọng nhưng họ cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình. Và trong một số trường hợp, các mục tiêu này bắt đầu xảy ra xung đột chồng chéo”, ông Matthew Clifford cho biết.

Theo bà Trang Bùi, để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, nhà đầu tư bất động sản cần kết hợp thiết kế bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và không gian hòa nhập. Điều này không chỉ giúp môi trường đạt được lượng khí thải bằng 0, mà còn mang lại tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần sử dụng, phân tích dữ liệu, công nghệ thông minh để tối ưu hóa hiệu suất năng lượng, giám sát việc sử dụng tài nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, việc đầu tiên nhà đầu tư có thể thực hiện là triển khai các hệ thống tự động hóa tòa nhà, cảm biến và điều khiển nâng cao để cho phép giám sát và điều chỉnh theo thời gian thực nhằm mang lại hiệu suất tòa nhà tối ưu.