Bộ Tư Pháp Mỹ thúc đẩy quá trình buộc Google phải “chia tay” trình duyệt Chrome

Bộ Tư Pháp Mỹ đang có kế hoạch yêu cầu thẩm phán xét xử vụ kiện chống độc quyền của Google, buộc công ty này phải bán trình duyệt Internet Chrome của mình. Trước đó, thẩm phán này đã ra phán quyết rằng Google đã duy trì tình trạng độc quyền tìm kiếm bất hợp pháp trên các nền tảng của mình và đối tác.

Chrome là trình duyệt phổ biến nhất thế giới và các luật sư của chính phủ Mỹ cũng lập luận rằng việc sử dụng trình duyệt này để quảng bá chéo các sản phẩm của Google là một lợi thế lớn với công ty nhưng lại gây ra nhiều bất lợi, hạn chế trong cạnh tranh đối với các nền tảng, sản phẩm dịch vụ của công ty khác.

Bên cạnh việc yêu cầu phải bán Chrome, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cũng đang chuẩn bị nhiều đề xuất khác đối với các nền tảng của Google như tách Android khỏi Search và Google Play. Tuy nhiên, DOJ lại không cố ép Google bán Android. Một yêu cầu khác là Google sẽ phải chia sẻ nhiều thông tin hơn với các nhà quảng cáo và cho họ quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các vị trí quảng cáo xuất hiện.

google-doj-1731985755.jpg
Bộ Tư pháp Mỹ đang ép Google phải bán Chrome khỏi hệ sinh thái của mình.

Các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cũng khuyến nghị công ty “cung cấp cho các trang web nhiều lựa chọn hơn để ngăn chặn việc nội dung của họ bị Google thu thập để đào tạo trí tuệ nhân tạo”.

Bộ Tư Pháp Mỹ từ chối bình luận về các thông tin có liên quan. Trong một tuyên bố từ Lee- Anne Mulholland, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý của Google cho biết “Bộ Tư pháp Mỹ đang thúc đẩy một chương trình nghị sự cấp tiến vượt xa các vấn đề pháp lý trong trường hợp này” và sẽ gây hại cho người tiêu dùng.

Động thái này là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất của chính quyền tổng thống Joe Binden nhằm kiềm chế tình trạng độc quyền của các Big Tech. Sau khi việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn tất trong thời gian tới, khả năng sẽ có nhiều thay đổi tác động tới vụ việc chống độc quyền của Google cũng như nhiều Big Tech khác.

Hai tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump tuyên bố sẽ truy tố Google vì những gì ông cho là thiên vị chống lại ông, nhưng chỉ một tháng sau, ông lại đặt câu hỏi liệu việc chia tách công ty có phải là một ý tưởng tốt hay không.

Google có kế hoạch kháng cáo sau khi thẩm phán tòa án quận Hoa Kỳ Amit Mehta đưa ra phán quyết cuối cùng, có khả năng sẽ vào tháng 8/2025. Mehta đã lên lịch xứt xử các đề xuất khắc phục vào tháng 4 năm sau.

4546-1731985737.jpg
Bộ Tư Pháp Mỹ cũng muốn Google tách Android khỏi Google Play và Search nhưng không ép họ phải bán hệ điều hành này đi.

Các công tố viên đã đưa ra một loạt các biện pháp khắc phục tiềm năng trong vụ án của Google, từ việc yêu cầu công ty chấm dứt các thỏa thuận độc quyền như thỏa thuận với Apple để biến Google Search trở thành nền tảng tìm kiếm mặc định trên Safari. Để đạt được thỏa thuận độc quyền này, Google đã phải trả hàng tỷ USD mỗi năm cho “Nhà Táo”.

Thực tế, thị phần của trình duyệt Chrome rất cao nên đây vẫn là nguồn thu quan trọng của Google. Khi người dùng đăng nhập vào Chrome bằng tài khoản Google, công ty có thể có được nhiều thông tin hơn, từ đó mang đến nhiều quảng cáo mục tiêu hơn, “ép” người dùng phải xem.

Google vẫn khẳng định công cụ tìm kiếm của mình (Google Search) đã giành được thị phần lớn nhờ vào chất lượng và nhận được sự ủng hộ của người dùng. Công ty cũng cho biết, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Amaxon và các trang web khác, trong bối cảnh người dùng đang có ngày càng nhiều các lựa chọn tìm kiếm khác để làm mặc định.