Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc

Theo Koreatimes, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ năm ngoái, bất chấp sự gia tăng bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ - Trung.

Các quan chức trong ngành đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia duy nhất, nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các kênh cung ứng. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng vật liệu Trung Quốc vẫn có khả năng cạnh tranh về giá, thúc giục chính phủ Hàn Quốc cũng như các công ty có sự chuẩn bị tốt hơn cho trường hợp gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra trong tương lai.

wafer-silicon-1727452560.jpg
Cận cảnh một tấm wafer silicon được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Nangang ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) ngày 4/9.

Theo báo cáo của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, sự phụ thuộc của nước này vào việc nhập khẩu từ Trung Quốc đối với 5/6 nguyên liệu thô chính để sản xuất chất bán dẫn đã tăng lên vào năm ngoái.

Sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu silicon từ Trung Quốc để sử dụng trong các tấm bán dẫn silicon đã tăng từ 68,8% vào năm 2022 lên 75,4% vào năm 2023, trong khi sự phụ thuộc vào germani - một vật liệu quan trọng cho chất bán dẫn hợp chất thế hệ tiếp theo, đã tăng vọt 17,4% lên 74,3% trong cùng kỳ.

Chỉ có fluorit - một nguyên liệu chính để sản xuất axit flohydric, giảm nhẹ từ 49,9% xuống 47,5% trong cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, sau cuộc chiến tranh ở Ukraine và xung đột thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã nỗ lực đa dạng hóa các kênh cung ứng của mình, nhưng dữ liệu cho thấy họ đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các nguyên liệu thô chính.

Báo cáo cũng cho thấy các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào sản xuất của Trung Quốc. Nhà máy Xi’An của Samsung Electronics chiếm 29% tổng sản lượng flash NAND của công ty vào năm 2021, nhưng con số này đã tăng lên 36% vào năm 2022, 37% vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt 40% trong năm nay.

Tỷ lệ sản xuất DRAM của SK hynix tại nhà máy Wuxi đã giảm từ 49% vào năm 2021 xuống còn 42% vào năm ngoái, mặc dù dự kiến vẫn sẽ duy trì ở mức đáng kể là 41% trong năm nay, nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của nước này.

ked202309120008700x0-1727452894.jpg
Nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu các nguyên liệu thô được dùng trong sản xuất chip thì các nhà sản xuất chip Hàn Quốc sẽ rơi vào tình thế khó khăn.

Những con số này gây lo ngại cho các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, vì Mỹ đang áp đặt thêm lệnh cấm thương mại liên quan đến việc cải thiện năng lực sản xuất chip của Trung Quốc. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào thương mại của Hàn Quốc cũng khiến nước này dễ bị tổn thương trước các biến động về chính trị trong tương lai.

Bloomberg đưa tin vào ngày 2/9 rằng Trung Quốc đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa kinh tế nghiêm trọng đối với Nhật Bản nếu nước này tiếp tục hạn chế việc bán và bảo dưỡng thiết bị sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc. Thậm chí nhà sản xuất ô tô Toyota Motor đã nói với các quan chức Nhật Bản rằng Trung Quốc có thể phản ứng lại các biện pháp hạn chế này bằng cách hạn chế quyền tiếp cận của Nhật Bản đối với các khoáng sản cần thiết cho sản xuất ô tô.

Một quan chức trong ngành bán dẫn cho biết: "Sau căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, các doanh nghiệp đã nỗ lực đa dạng hóa các kênh cung ứng nguyên liệu thô để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng bắt nguồn từ rủi ro chính trị".

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, việc nhập khẩu nguyên liệu thô của Trung Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh về giá, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng khai thác và trữ lượng thiên nhiên vững chắc của nước này. Điều này đồng nghĩa với việc, đa dạng hóa các kênh cung ứng sẽ phải chịu mức phí cao hơn. Từ đó, buộc các công ty dù muốn dù không vẫn phải duy trì sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc ở một mức độ nhất định. 

Một quan chức khác trong ngành bán dẫn cũng cho biết việc giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc "không phải lúc nào cũng là câu trả lời" và các công ty sẽ phải trông đợi sự hỗ trợ từ chính phủ trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.