Các nhân tài AI tiếp tục rời bỏ OpenAI, Sam Altman lần đầu nhận được cổ phần công ty

Giám đốc công nghệ của OpenAI là Mira Murati và hai Giám đốc nghiên cứu khác sẽ rời khỏi công ty, kéo dài chuỗi sự kiện ra đi của các nhân tài AI khỏi công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới, diễn ra trong bối cảnh nhà sản xuất ChatGPT đang có nhiều biến động.

Cụ thể, Giám đốc Công nghệ của OpenAI là Mira Murati, Phó Chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph và Giám đốc nghiên cứu Bob McGrew đều thông báo về việc họ sẽ rời khỏi OpenAI. Thông báo được đăng tải trên tài khoản cá nhân của các lãnh đạo này trên X.

Murati là một phần quan trọng của OpenAI trong suốt nhiều năm qua. Cô đã từng giữ chức CEO của công ty một thời gian ngắn vào tháng 11 năm ngoái khi Hội đồng quản trị OpenAI ra quyết định sa thải Sam Altman.

Murati gia nhập OpenAI với tư cách là “Phó Chủ tịch Ứng dụng và quan hệ đối tác AI” vào tháng 12/2020 và được thăng chức lên làm CTO và tháng 5/2022. Trước khi gia nhập OpenAI, cô đã có một thời gian dài làm việc tại công ty khởi nghiệp thực tế ảo và thực tế tăng cường Leap Motion và Tesla.

Với tư cách là CTO, Murati thường xuyên xuất hiện cùng Altman với tư cách là gương mặt đại diện của nhà sản xuất ChatGPT. Tại buổi ra mắt GPT-4o vào tháng 5 năm nay, cô đã có một buổi thuyết trình ấn tượng về mô hình AI mới của công ty.

mira-murati-1727334662.jpg
Giám đốc công nghệ của OpenAI Mira Murati vừa đột ngột tuyên bố rời khỏi công ty sau một thời gian dài gắn bó mà không có thông báo, trao đổi trước với Sam Altman.

Về lý do ra đi, Murati viết: “Tôi bước ra ngoài vì muốn tạo thời gian và không gian để thực hiện chuyến khám phá của riêng mình”.

Murati, Zoph và McGrew là những người mới nhất trong “làn sóng” một loạt các nhân sự quan trọng của OpenAI rời đi tính từ năm ngoái. Vào tháng 8 năm nay, đồng sáng lập OpenAI John Schulman đã viết trên X rằng ông sẽ gia nhập công ty đối thủ là Anthropic. Đồng sáng lập khác là Greg Brockman cũng cho biết sẽ “nghỉ phép” đến hết năm. Một đồng sáng lập thứ 3 là nhà khoa học trưởng Ilya Suskever cũng đã rời OpenAI vào tháng 5 năm nay, sau những tranh cãi về định hướng phát triển AI “vì cộng đồng hay vì lợi nhuận”.

Sau khi Murati công bố sẽ rời công ty, CEO Sam Altman cho biết trên X rằng cô không có thông báo trước về việc này. Cũng trong bài phản hồi, Altman đã trấn an những người quan tâm, các nhà đầu tư về tình hình nội bộ của công ty bằng cách công bố một loạt các đợt thăng chức nội bộ: Matt Knight được thăng lên làm Giám đốc an ninh thông tin, Josh Achiam lên làm Giám đốc điều phối nhiệm vụ và Mark Chen lên làm Phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận nghiên cứu.

OpenAI đang ở trong một giai đoạn khá đặc biệt. Cùng với những thành tựu ấn tượng về các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và các chatbot AI tân tiến “có khả năng suy luận như con người” thì cơ cấu tổ chức của công ty cũng có nhiều thay đổi. Công ty đang có kế hoạch tái cấu trúc thành công ty phúc lợi vì lợi nhuận thay vì phi lợi nhuận như trước. Hội đồng phi lợi nhuận sẽ không còn kiểm soát lợi nhuận của công ty. Bên cạnh đó, CEO Sam Altman sẽ bắt đầu nhận được những cổ phần đầu tiên tại OpenAI.

Sau tái cấu trúc và hoàn thành vòng gọi vốn mới, OpenAI có thể đạt mức định giá 150 tỷ USD. Công ty cũng đang tìm cách xóa bỏ giới hạn lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

sam-altman-1727334764.jpg
Giám đốc điều hành Sam Altman sẽ nhận được những cổ phần đầu tiên từ công ty sau khi tái cấu trúc mô hình hoạt động, đưa OpenAI trở thành một công ty theo hướng vì lợi nhuận thông thường.

Chưa rõ, việc ra đi của hàng loạt nhân tài AI và lãnh đạo của OpenAI có liên quan đến định hướng mới hay không. OpenAI cho biết: “Chúng tôi vẫn tập trung vào việc xây dựng AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và chúng tôi đang làm việc với hội đồng quản trị để đảm bảo rằng chúng tôi có vị thế tốt nhất để thành công trong sứ mệnh của mình. Tổ chức phi lợi nhuận này là cốt lõi trong sứ mệnh của chúng tôi và nó sẽ tiếp tục tồn tại”.

Việc OpenAI chuyển từ mô hình phi lợi nhuận sang vì lợi nhuận đang dấy lên những mối lo ngại từ cộng đồng an toàn AI xung quanh việc liệu công ty này có còn đủ khả năng quản lý để tự chịu trách nhiệm trong việc theo đuổi trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) hay không, vì nhóm an toàn AI trước đó của công ty đã tan rã vào đầu năm nay.

Không rõ Altman sẽ nhận được bao nhiêu vốn chủ sở hữu. Altman, vốn đã là một tỷ phú từ nhiều khoản đầu tư khởi nghiệp của mình, trước đây đã tuyên bố rằng ông đã chọn không nắm giữ cổ phần trong công ty vì hội đồng quản trị cần phần lớn các giám đốc không quan tâm và không có cổ phần trong công ty. Ông cũng nói rằng ông có đủ tiền và đang làm như vậy vì ông yêu thích công việc này.

Cấu trúc mới của OpenAI sẽ giống với đối thủ chính là Anthropic và xAI của Elon Musk, được đăng ký là công ty phúc lợi, một hình thức vì lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy trách nhiệm xã hội và tính bền vững bên cạnh mục đích kiếm lợi nhuận.

OpenAI được thành lập vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức nghiên cứu AI phi lợi nhuận. Công ty đã bổ sung thêm tổ chức OpenAI LP vì lợi nhuận vào năm 2019 với tư cách là công ty con của tổ chức phi lợi nhuận này, được đảm bảo nhờ nguồn vốn tài trợ từ Microsoft cho các hoạt động nghiên cứu.

Công ty đã tạo được tiếng vang lớn gây “chấn động” toàn cầu khi ChatGPT được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng AI có phản hồi giống con người này đã trở thành một trong những apps phát triển nhanh nhất lịch sử công nghệ thế giới với 200 triệu người dùng hoạt động hàng tuần, thổi bùng cuộc chạy đua toàn cầu đầu tư vào AI.

Việc loại bỏ quyền kiểm soát phi lợi nhuận có thể khiến OpenAI hoạt động giống một công ty khởi nghiệp thông thường hơn, một động thái được các nhà đầu tư đã rót hàng tỷ đô la vào công ty hoan nghênh.