Dòng tiền ảo quy ra USD đổ về thị trường Việt Nam lên tới 120 tỉ trong năm 2023

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “Khung pháp lý Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng” diễn ra chiều ngày 5/6 tại Hà Nội, đã thu hút hơn 300 khách mời đến từ các cơ quan, tổ chức Chính phủ, các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực trong và ngoài nước…

Đến tháng 5/2025, thời hạn ban hành khung pháp lý tài sản ảo theo cam kết của Chính phủ sẽ diễn ra, việc xây dựng cần phải đảm bảo kết hợp giữa các kinh nghiệm tài chính, đặc biệt là các nguyên tắc quản lý rủi ro với chuyên môn sâu về công nghệ mới để đảm bảo quyền lợi khách hàng đi đôi với sự bền vững của hệ thống.

hoi-thao-1717632742.jpg

Các diễn giả tại Hội thảo "Khung pháp lý Tài sản ảo: Nhìn từ góc độ bảo vệ người dùng" diễn ra chiều ngày 5/6.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo. Đối với việc xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo, theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn từ ngành tài chính truyền thống, đặc biệt là các nguyên tắc quản lý rủi ro, với chuyên môn sâu về các công nghệ mới. Đặc biệt, cần tuân thủ các nguyên tắc như xác thực danh tính khách hàng (KYC), xác minh giao dịch (KYT), thẩm định doanh nghiệp đối tác (KYB), thẩm định đơn vị trung gian (KYI),... Các nguyên tắc này sẽ giúp quản lý tài sản ảo, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, những người sở hữu tài sản ảo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo các chuyên gia, hiện nay chúng ta vẫn đang thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tài sản ảo, tiền ảo gây khó khăn cho hoạt động quản lý. Các quy định liên quan vẫn đang nằm rải rác ở 19 văn bản quy phạm pháp luật. Việc không có quy định rõ ràng, liền mạch đang tạo cơ hội cho các hoạt động trái phép bao gồm huy động vốn, gian lận, tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo tràn lan không phép trở nên nhức nhối, gây ra những hậu quả khôn lường.

"Việc cần thiết phải xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ TegTech truy vết on-chain là rất cần thiết để chống lại tình trạng gian lận, lừa đảo tài sản số. Đây là những công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, BigData, Blockchain… đều đang được áp dụng phổ biến trên thế giới", ông Phan Đức Trung chia sẻ thêm. Theo chuyên gia này, việc đóng thuế từ tài sản số nên được thực hiện như việc đóng thuế trúng vé số vì đầu tư tiền ảo cũng như mua vé số, tiền trúng là tiền may mắn.

Về góc độ bảo vệ người tiêu dùng, cần tìm hiểu và tham khảo từ một số mô hình trên thế giới. Thông qua cấp phép cho nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố… đảm bảo tính minh bạch, quyền riêng tư, lưu ký tài sản của khách hàng

tai-san-ao-1717632696.jpg

Việt Nam nên tham khảo các mô hình trên thế giới trong việc xây dựng khung pháp lý bảo vệ tài sản ảo.

“Tài sản ảo và các hoạt động xung quanh đó là một thực tế xã hội đã, đang có quy mô lớn tại Việt Nam và thế giới, được coi là một trong nhiều sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiên tiến trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, những ý tưởng đổi mới, sáng tạo đôi khi thường đi trước sự phát triển của khung pháp lý. Vì vậy, việc sớm ban hành một khung pháp lý tại Việt Nam là rất cần thiết và nên được làm sớm”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết tại hội thảo.

Thông tin được chia sẻ tại hội thảo, tổng dòng tiền tài sản ảo quy ra USD đổ về thị trường Việt Nam lên tới 120 tỉ vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2024. Việc cấm giao dịch hay cấm các VASP hoạt động là không khả thi, vì vậy, việc ban hành sớm khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền sẽ hỗ trợ tối ưu việc quản lý của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này.