Giá vàng tăng mạnh, lại "nóng" tranh luận xung quanh "huy động vàng trong dân"

Câu chuyện huy động vàng trong dân dù năm nào cũng được nhắc đến nhưng mãi vẫn chưa tới hồi kết. Có nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề này nhưng tựu trung lại vẫn theo 2 quan điểm: Ủng hộ huy động để phát triển đất nước và phản đối vì ẩn chứa nhiều rủi ro cho người dân và ngân sách quốc gia.

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia người dân có thói quen tích trữ vàng. Theo ước tính, lượng vàng được lưu giữ trong dân đạt khoảng 400 tấn. Con số này được tính dựa trên số lượng vàng đã xuất - nhập do cơ quan quản lý thống kê được. Nó không bao gồm lượng vàng có thể đã được người dân tích lũy mà cơ quan quản lý không biết.

Thời điểm hiện tại, giá vàng biến động tăng - giảm bất thường khiến vấn đề huy động vàng trong dân lại được đưa ra bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả các chuyên gia tài chính, kinh tế cũng bất đồng quan điểm với nhau.

Ủng hộ quan điểm Ngân hàng Nhà nước có thể đứng ra huy động vàng trong dân,Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu 400 tấn vàng đó vẫn nằm trong “kho tàng” riêng của mỗi cá nhân, gia đình thì thực sự lãng phí. Vàng là một tài sản quý giá có thể dùng để phát triển đất nước, cho những mục đích ích nước lợi dân. Do đó, số vàng này cần phải được đưa ra nền kinh tế.

Ông Hiếu đề xuất, để tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng cho nền kinh tế thì có thể thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt từ 3 - 6 tháng, hoặc từ 1 - 5 năm.

Theo ông Hiếu, điều này không chỉ tạo cơ hội cho người gửi vàng nhận được lợi nhuận thông qua lãi suất (dù không cao như tiền gửi ngân hàng), mà còn đảm bảo khả năng quy đổi vàng thành tiền mặt tại bất kỳ thời điểm nào. Phương pháp này giúp huy động nguồn lực vàng đang nằm im trong dân vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu rủi ro vàng hóa.

Câu chuyện huy động vàng trong dân vẫn chưa đến hồi kết

Ông Hiếu chia sẻ, Ngân hàng Nhà nước sau khi huy động được vàng từ người dân, thì có thể cho Chính phủ, Bộ Tài chính vay. Số vàng này, Bộ Tài chính có thể lấy làm tài sản đảm bảo để vay tiền từ các tổ chức nước ngoài với lãi suất ưu đãi, từ đó biến vàng thành ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đất nước.

Khi cho Bộ Tài chính vay, Ngân hàng Nhà nước cũng có lãi để trả cho người gửi. Còn Bộ Tài chính dùng tài sản đảm bảo này vay vốn từ nước ngoài, phục vụ phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu thuế rất tốt. Hai ưu điểm của việc này là không sợ những chi phí phát sinh về vấn đề lãi và vàng vẫn nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh về tầm quan trọng của khâu huy động vàng. Theo đó, khó khăn nằm ở chỗ Ngân hàng Nhà nước huy động loại vàng nào và cần có quy định chặt chẽ với các tiêu chí được kiểm duyệt hoặc được chứng nhận. Tất cả các loại vàng không đúng tiêu chí sẽ không được nhận và khi Ngân hàng Nhà nước trả lại vàng cho người gửi cũng phải đúng với các tiêu chuẩn vàng đã nhận.

Bất đồng quan điểm, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên tính đến chuyện huy động vàng trong dân. Nguyên nhân là vì khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ, dễ tạo thành rủi ro lớn cho người dân và ngân sách quốc gia.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí phân tích, nguồn lực từ vàng tích trữ trong dân rõ ràng rất lớn. Nhưng không nên huy động vàng qua đề án Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. Khối lượng vàng đó khi so với GDP của Việt Nam thì quá lớn. Nếu huy động được lượng vàng khổng lồ ấy vào nền kinh tế thì liệu các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy để giúp tăng trưởng kinh tế quốc gia. Thực tế cho thấy, chưa có chính phủ hay ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng của dân.

Tiến sĩ Chí lấy ví dụ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này dù vàng từ là kim bản vị (hệ thống tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn ấn định bởi hàm lượng vàng) của thế giới trong nhiều thế kỷ...

“Trước đây, đã có thời điểm một số quan chức FED cho phép bán khống một số vàng lớn ở mức 1.550 - 1570 USD/ounce và sau đó đã mang về những món nợ khổng lồ cho họ. Đó có thể là một bài học lớn cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc quản lý thị trường vàng tương lai”, tiến sĩ Chí nêu quan điểm.

Thị trường vàng trong nước sau khi tăng giá đột biến hậu nghỉ Tết, nhất là vào ngày Thần Tài, thì đã có ngày rơi giá tự do khiến nhiều người mua vào đúng dịp này lỗ nặng. Những người mua vàng nhẫn lỗ nặng nhất khi tới 500.000 - 600.000 đồng/chỉ).

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, giá vàng thế giới có dấu hiệu tăng mạnh, kéo theo vàng trong nước lập tức tăng. Đỉnh điểm vào ngày 29/2 khi có thời điểm vàng SJC đã chạm mốc lịch sử 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng có cú quay đầu ngoạn mục khi kết thúc tháng 2 với mốc tăng thêm tới 500.000 đồng khiến nhiều người mua đang lỗ lại chuyển sang lãi ròng.