Hàng loạt lô đất đấu giá chuẩn bị “lên sàn”: Rủi ro thao túng vẫn chưa thể chấm dứt

Đấu giá đất vẫn sẽ sôi động trong năm 2025, nhưng các nhà đầu tư có thể đưa ra mức giá kiềm chế hơn so với trước. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhận định, không loại trừ khả năng trong nhiều phiên đấu giá đất vẫn xuất hiện các nhóm thông đồng đẩy giá nhằm nâng giá trị những khu đất lân cận để trục lợi.

UBND Hà Nội vừa ban hành quyết định giao hơn 20.000 m² đất tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa cho UBND huyện Ứng Hòa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất.

Dồi dào nguồn cung

Theo UBND Hà Nội, trong tổng số 20.671 m² đất được giao tại huyện Ứng Hòa, có 6.028,9 m² là đất ở dành cho đấu giá quyền sử dụng đất, còn lại 14.642,2 m² được quy hoạch làm giao thông và cây xanh. UBND huyện Ứng Hòa có trách nhiệm lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất và tổ chức đấu giá theo đúng quy định, đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Không chỉ huyện Ứng Hòa, các khu vực khác của Hà Nội cũng đang đẩy mạnh kế hoạch đấu giá đất trong thời gian tới. Trước đó, UBND Hà Nội đã ban hành Quyết định 144 phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của huyện Hoài Đức, trong đó dự kiến tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 11 dự án. Một số dự án đáng chú ý tại huyện Hoài Đức bao gồm khu X1 tại xã Vân Canh, khu X1 tại Khóm Dâu và Đồng Cốc thuộc xã Sơn Đồng, khu X2 Đồng Sành tại xã Kim Chung và vị trí X2 tại xã An Thượng.

dat-dau-gia-1-1737161184.jpg
Sau các vụ việc thao túng giá đấu giá đất, thị trường đang có những điều chỉnh rõ rệt

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai cũng là địa phương được giao nhiều quỹ đất đấu giá nhất trong năm 2025. Theo Quyết định 136 về kế hoạch sử dụng đất, huyện này có tới 29 dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Đơn cử, tại thị trấn Kim Bài, có dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất tại ô đất ký hiệu 02.1 và 02.2 thuộc xứ đồng Đìa Đạm (thôn Cát Động), cũng như dự án xây dựng nhà ở thương mại tại khu đấu giá quyền sử dụng đất K3.

Một số khu vực khác của huyện cũng đang triển khai kế hoạch đấu giá đất, bao gồm khu Xim Dưới và khu Cưng Trong (thôn Đại Định, xã Tam Hưng), khu Đìa Trạm Xác và khu Đồng Dầu (thôn Thế Hiển, xã Dân Hòa), cùng với các khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong (thôn Văn Quán) và khu Điền Thanh (thôn Cự Thần) thuộc xã Đỗ Động.

Tuy nhiên, sau các vụ việc thao túng giá đấu giá đất, thị trường đang có những điều chỉnh rõ rệt. Ông Hoàng Hà, một nhà đầu tư bất động sản, nhận định rằng mặc dù các phiên đấu giá gần đây vẫn thu hút sự quan tâm, nhưng không còn quá "nhiệt" như trước. Giá trúng đấu giá tuy vẫn cao nhưng đã bớt "ảo".

Chẳng hạn, tại phiên đấu giá 26 thửa đất ở xã Tân Phú, huyện Quốc Oai vào tháng 1, mức giá trúng cao nhất là gần 77 triệu đồng/m², thấp hơn nhiều so với mức 94,7 triệu đồng/m² trong phiên đấu giá 20 thửa đất tại cùng khu vực vào tháng 11 trước đó.

Dự báo về xu hướng đấu giá đất trong năm 2025, ông Hà cho rằng thị trường vẫn sẽ sôi động nhưng các nhà đầu tư có xu hướng đặt giá thận trọng hơn, tránh tình trạng "thổi giá" quá mức. Điều này có thể giúp thị trường đấu giá đất dần trở nên minh bạch và ổn định hơn trong thời gian tới.

Vẫn lo “bệnh cũ” sẽ tái phát

Theo các chuyên gia, trong thời gian qua, những “lỗ hổng” cơ chế, đặc biệt là sự lỗi thời của bảng giá đất cũ, đã khiến công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn. Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực nhưng bảng giá đất chưa kịp điều chỉnh, giá khởi điểm vẫn ở mức thấp, trong khi tỷ lệ đặt cọc chỉ 20%. Điều này tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ lão luyện nộp hồ sơ đấu giá ồ ạt, áp dụng chiến lược “được ăn cả, ngã cũng chẳng mất bao nhiêu".

Dù nhận thức rõ vấn đề, các địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc xác định giá khởi điểm do bảng giá đất cũ chưa phản ánh đúng giá trị thực tế. Chỉ khi bảng giá đất mới được áp dụng, với mức giá được đánh giá là sát thị trường, Hà Nội và các tỉnh thành mới có thể thuận lợi hơn trong việc xác định giá khởi điểm, giúp công tác đấu giá minh bạch hơn, hạn chế tình trạng đầu cơ.

dau-gia-dat-1737161176.jpg
Thị trường đất đấu giá vẫn sẽ sôi động nhưng các nhà đầu tư có xu hướng đặt giá thận trọng hơn, tránh tình trạng "thổi giá" quá mức

 Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định rằng điều chỉnh bảng giá đất sẽ mở ra "cửa thoát" cho công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Dự báo trong năm 2025, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn. Những khu vực có pháp lý minh bạch, quy hoạch rõ ràng vẫn sẽ thu hút sự quan tâm, với mức giá trúng có thể tăng khoảng 10% so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền sạch có thể đẩy giá lên cao, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo rằng các nhà đầu tư nên hết sức thận trọng khi xuống tiền vào thời điểm này, cần nghiên cứu kỹ để tránh rơi vào bẫy "sốt ảo". Ông nhấn mạnh rằng thị trường bất động sản Hà Nội, với đặc thù dân cư đông đúc và nguồn cung hạn chế, luôn là điểm nóng thu hút cả những nhà đầu cơ. Vì vậy, không loại trừ khả năng một số nhà đầu tư có thể thông đồng để đẩy giá đấu giá, nhằm tăng giá trị các khu đất lân cận và trục lợi.

Trước những biến động này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cũng cho rằng để ngăn chặn đầu cơ, cần điều chỉnh giá khởi điểm sát với giá thị trường, tăng tỷ lệ đặt cọc, hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm, yêu cầu xây dựng trong 2-3 năm và rút ngắn thời gian nộp tiền sau khi trúng đấu giá.

“Tỷ lệ tiền đặt cọc cao hơn chắc chắn sẽ khiến các tổ chức, cá nhân có ý định đấu giá rồi bỏ cọc để thao túng giá đất phải cân nhắc kỹ. Ngay cả khi nhóm đầu cơ không chùn tay, mức giá khởi điểm mới sẽ giúp Nhà nước thu được nguồn ngân sách cao hơn để phục vụ các mục tiêu an sinh xã hội:, ông Điệp nhận định.

Những biện pháp này nếu được thực hiện đồng bộ sẽ giúp thị trường đấu giá đất trở nên lành mạnh hơn, hạn chế đầu cơ và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư thực sự có nhu cầu.