Mất tiền vì đi tìm “một nửa" qua ứng dụng hẹn hò

Đến lần thứ ba, sau khi chuyển khoản 20 triệu đồng, chị Linh bất ngờ nhận được thông báo trúng hơn 100 triệu đồng. Phía công ty hẹn hò yêu cầu chị chuyển khoản 70 triệu đồng sẽ nhận lại được tiền của mình cùng phần thưởng. Tuy nhiên, chị Linh bất ngờ từ chối. Chị bảo, tới lúc này, chị đã biết mình bị lừa.

Cú lừa từ những công ty giả mạo

Chị Trần Thị Linh (46 tuổi) là chủ một cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng ở quận Ba Đình, Hà Nội. Ly hôn đã nhiều năm, bỗng một ngày chị nhận ra dù mình mạnh mẽ tới đâu thì sâu thẳm trong tâm hồn vẫn có lúc yếu đuối, cần một người quan tâm. Thế nên, chị đã quyết định tìm một người bầu bạn.

Một người bạn thân đã gửi cho chị đường link dẫn vào trang mạng xã hội tên "Hẹn hò tuổi trung niên" có hơn 4.000 người đang hoạt động với hơn 16.000 lượt thích và trên 17.000 người theo dõi. Khi truy cập vào trang, chị Linh thấy có những hình ảnh, video và bài báo thể hiện có người thật, việc thật được ghép đôi thành công. Tin tưởng, chị đã nhắn tin.

lua-dao-hen-ho-1-1721910291.jpg
Nhiều người bị các công ty hẹn hò giả mạo lừa đảo tài sản

Qua vài câu trao đổi, chị Linh được điều hướng sang nói chuyện trên Telegram. Nhân viên công ty hẹn hò giới thiệu cho chị nhiều hồ sơ khác nhau. Nhưng phải tới người thứ 6 chị mới ưng. Người này khuôn mặt hiền lành, trình độ học vấn tốt.

Chị và người đàn ông được giới thiệu bắt đầu nhắn tin trò chuyện. Trong quá trình này, chị cũng khéo léo đưa đẩy câu chuyện nhằm thử thách và xác định con người, đạo đức của đối tượng hẹn hò. Bất cứ vấn đề nào, người này cũng tỏ ra hiểu biết, đồng thời rất biết quan tâm, ga lăng, lịch thiệp.

Để gặp được nhau, chị Linh phải làm các nhiệm vụ chuyển khoản, có lúc 1 triệu, lúc 10 triệu, khi lại 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Linh liên tục bị nhắc làm sai cú pháp, phải nạp thêm tiền. Khi chị bày tỏ bức xúc, họ lấy lý do chị vi phạm quy định "tiết lộ thông tin cá nhân" nên xóa cuộc trò chuyện chung.

Lúc này, chị Linh chợt nhớ người “bạn trai” từng nói học cấp 3 trường Trần Phú, Hà Nội khóa 1984-1987. Qua nhiều mối quan hệ, chị đã tìm được người trong ban liên lạc của khóa và nhờ người này giúp đỡ. Rất nhanh, người này báo lại với chị rằng khóa 1984-1987 không có người đàn ông nào có tên và hình ảnh như chị cung cấp.

Tới tận khi đó, chị Linh mới nhận ra người nói chuyện với chị bao lâu nay chỉ là nhân vật ảo do công ty hẹn hò kia tạo ra.

Tương tự, chị Lê Quỳnh Anh (31 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai) cũng bị một công ty hẹn hò giả mạo lừa đảo. Chị Quỳnh Anh cho biết, chị là mẹ đơn thân, làm nghề kinh doanh ăn uống. Chị chỉ tình cờ biết đến công ty hẹn hò trên khi đang lướt Facebook.

Ngay khi chị nhấn vào nút quan tâm, đã có tin nhắn gửi tới facebook của chị. Bên kia liên tục hỏi thông tin cá nhân và giới thiệu nhiều đối tượng cho chị. Chị chấp nhận ghép cặp với người đàn ông thứ ba, có vẻ ngoài sáng láng, đang ở TP. HCM và hơn chị hai tuổi.

Chị Quỳnh Anh được đưa vào một nhóm trên ứng dụng nhắn tin khác. Quá trình trò chuyện, người đàn ông tỏ ra đồng cảm với hoàn cảnh của chị Linh và chia sẻ ý muốn được chăm sóc mẹ con chị Linh. Thấy người này phù hợp với mình, chị Linh mong muốn được gặp đối tượng nam ngoài đời.

Lúc này, nhân viên công ty hẹn hò thông báo chị cần phải làm nhiệm vụ để xem độ tương thích với nhau đến mức nào. Qua 2 lần chơi nạp tiền từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, chị Linh đều nhận lại được tiền và thêm vài chục nghìn tiền thưởng. Đến lần ba, sau khi chuyển khoản 20 triệu đồng, chị bất ngờ nhận được thông báo trúng hơn 100 triệu đồng.

Phía công ty hẹn hò yêu cầu chị chuyển khoản 70 triệu đồng sẽ nhận lại được tiền của mình cùng phần thưởng. Tuy nhiên, chị Linh bất ngờ từ chối, không muốn phần thưởng này, chỉ muốn lấy lại tiền của mình. Mặc cho nhân viên công ty hẹn hò hạ mức đóng xuống còn 50 triệu đồng và người "bạn trai" giục đóng, chị Linh vẫn một mực nói không có tiền.

Chị Linh bảo, lúc này chị đã biết mình bị lừa rồi nên mới từ chối chuyển tiền tiếp.

Cảnh báo khi hẹn hò qua ứng dụng

Mới đây, Công an TP. Hà Nội cũng đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thông qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, Litmatch, Hullo, EzMatch...

Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ tìm cách làm quen với “con mồi tiềm năng”. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, chúng sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư tài chính với những hứa hẹn đầy hấp dẫn. Thậm chí, chúng còn cao tay đến mức để cho nạn nhân vào tài khoản mà chúng lập, nhìn thấy lợi nhuận, rồi tự đề nghị cùng tham gia đầu tư.

lua-dao-hen-ho-1721910291.jpeg
Giao diện trang web mà chị T. tham gia đầu tư và bị lừa đảo

Như chị L.T.T. (trú Hà Đông, Hà Nội) quen với một đối tượng qua một app hẹn hò. Sau một thời gian nhắn tin, 2 người đã xưng hô với nhau là vợ chồng. Do đó, khi đối tượng nhờ chị T. đăng nhập tài khoản trên trang web: http://mexglobali66.com, giao dịch mua chứng khoán để kiếm lợi nhuận, chị không nghi ngờ gì.

Qua vài ngày đăng nhập, chị T. nhận thấy lợi nhuận thu được cao nên đã nhờ “chồng online” dạy đăng ký để giao dịch mua chứng khoán. Chị T. đã chuyển 914 triệu đồng tham gia đầu tư nhưng sau đó số tiền này đã bị chiếm đoạt.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, chuyên viên mai mối của dịch vụ hẹn hò Rudicaf ở Hà Nội cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, Rudicaf liên tục nhận được được tin báo bị lừa mai mối của nạn nhân ở nhiều tỉnh thành. Rudicaf thuộc công ty mai mối lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam, tuy nhiên chỉ hoạt động ở Hà Nội. Các đối tượng xấu đã lấy hình ảnh và những bài báo về Rudicaf, tạo ra các trang web tương tự, chỉ khác tên miền và số hotline để lừa đảo.

Về phía cơ quan chức năng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia ứng dụng hẹn hò online, lời mời kết bạn từ những đối tượng lạ trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online có nhiều rủi ro. Khi gặp các trường hợp nghi lừa đảo, người dân cần liên hệ với cơ quan công an để giải quyết kịp thời.