Liên quan đến thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một số động vật tại Vườn thú Thủ Lệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội co ro, gầy còm, rụng lộng thời tiết lạnh giá, đại diện vườn thú cho biết đây là thông tin sai sự thật.
Thông tin với phóng viên Đô Thị Mới, đại diện Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội cho biết đơn vị đã chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ chống rét như máy sưởi, đèn hồng ngoại, bố trí dự phòng gỗ, rơm… để giữ ấm; gia cố chuồng trại bằng tôn, tấm nhựa, lá cọ khô… Khi nhiệt độ xuống dưới 17 độ C thì sử dụng đèn hồng ngoại cho nhóm thú dữ, đốt củi cho nhóm thú móng guốc, bơm thêm nước nóng vào cho hà mã…
Ngoài ra, công ty cũng điều chỉnh khẩu phần ăn và bổ sung vitamin cho động vật, đặc biệt với các con non, sinh sản hoặc già yếu… Còn một số con khỉ bị nấm, ký sinh trùng trên da hoặc già yếu đang được điều trị trong khu cách ly thì thể trạng hiện đã ổn định và tốt hơn.
Trao đổi với phóng viên, TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, tố cáo người khác không có căn cứ.
Ngoài ra, nguyên tắc hoạt động của mạng xã hội là hậu kiểm, người đưa thông tin lên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của mình.
Theo ông Cường, trong trường hợp người đưa thông tin sai sự thật với lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý nhưng hậu quả chưa nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn trường hợp đưa thông tin sai sự thật nên không gian mạng mà ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, vu khống, làm nhục người khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, uy tín, sức khỏe của nạn nhân thì hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Theo quy định của pháp luật thì mức xử phạt này là phạt đối với tổ chức, còn với cá nhân thì sẽ áp dụng mức phạt là 1/2 mức phạt nêu trên. Bởi vậy nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy việc đưa những thông tin về động vật đói ăn, không được chăm sóc ở công viên Thủ lệ là không đúng sự thật thì người đưa thông tin sai sự thật này sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Theo đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hành vi của người đăng thông tin sai sự thật này, làm rõ danh tính của tài khoản mạng xã hội này, đồng thời xác định hậu quả từ hành vi đăng thông tin sai sự thật để xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả cụ thể xảy ra.
Luật sư Cường cho rằng, với kết quả xác minh và thông tin bước đầu thì đây là thông tin sai sự thật, bởi vậy người đưa thông tin này hoặc cố ý chia sẻ thông tin này ít nhất cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
“Việc đưa thông tin sai sự thật như vậy rõ ràng đã ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, uy tín của các cán bộ nhân viên vườn thú Hà Nội và có thể gây ra dư luận xấu trong xã hội. Với những thông tin phản ánh trên báo chí mạng xã hội như vậy thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh và kết luận sự việc, đồng thời xem xét xử lý người đưa tin sai sự thật theo quy định của pháp luật”, ông Cường nêu.
Ông Cường cũng đánh giá, việc duy trì hoạt động của vườn thú Hà Nội là một chủ trương đúng, là điểm đến của rất nhiều học sinh ở mọi miền đất nước, cũng là một dấu ấn về du lịch ở Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động chăm sóc thú gặp nhiều khó khăn, cán bộ công nhân viên của vườn thú cũng đã rất cố gắng để vượt qua.
“Những thông tin sai sự thật như thế này có thể ảnh hưởng đến uy tín của công ty và sẽ tác động rất lớn đối với tâm lý của cán bộ công nhân viên của công ty, khi họ đã rất cố gắng để bảo vệ những con thú nuôi trước giá rét bất thường ở Hà Nội như những ngày qua”, ông Cường nêu.
Theo vị luật sư, nếu không kiểm soát được hành vi và cảm xúc, chỉ cần một thao tác đơn giản với chiếc điện thoại là một người có thể phủ nhận công sức, trách nhiệm của cả một tập thể, một doanh nghiệp, gây ra những dư luận xấu trong xã hội. Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích của hành vi đưa thông tin sai sự thật này là gì và đánh giá tính chất mức độ của hành vi, đánh giá hậu quả xảy ra để có chế tài xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.