Sáng nay 6/9, người dân tới chợ dân sinh và siêu thị ở Hà Nội tăng vọt, phần lớn trong số này đến mua tích trữ thực phẩm để phòng tránh siêu bão Yagi sắp đổ bộ đất liền. Điều này dẫn đến, thực phẩm nhanh chóng "cháy hàng", trong đó trứng là mặt hàng bị quét sạch sớm nhất.
Tại chợ dân sinh 212 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) vào thời điểm 9 giờ sáng, nhiều sạp bán thịt lợn, tôm cá, rau củ… đã hết hàng. Giá rau còn tăng nhẹ so với bình thường. Còn ở chợ Thành Công (quận Đống Đa), nhiều bà nội trợ cho biết, mới sáng sớm đã hết thịt heo và mỳ tôm. Nhưng giá cả tại chợ này chưa có dấu hiệu tăng.
Hay tại chợ cóc khu vực Đức Giang (quận Long Biên), hàng rau củ cũng tiêu thụ rất nhanh. Chị Thúy chuyên bán rau tại chợ cóc này cho biết, thường ngày hàng bán thịt, cá nhanh hết hàng hơn, bởi vẫn có những nhà dân quanh đây tự trồng được rau. Nhưng hôm nay, chị chỉ bán đến hơn 8h là đã hết hàng.
Trong khi đó, anh Trần Đình Văn - một tiểu thương ở Mễ Trì Hạ (quận Nam Từ Liêm) cho hay, giá trứng tuy không tăng nhưng hàng lại khan hiếm. Sáng nay, anh vừa lấy xe hàng hơn nghìn quả trứng, mà chỉ một lúc đã bán hết. Anh phải liên hệ với đầu mối đặt hàng, để nhập thêm về bán.
Lý giải về việc nhiều người mua trứng, anh Văn cho rằng, trứng dễ mua, dễ bảo quản, lại rẻ, còn chế biến được nhiều món. Vì thế, trứng luôn được ưu tiên lựa chọn nếu muốn tích trữ thực phẩm vào ngày mưa bão. Hầu hết khách hôm nay đều mua ít thì 30 quả, nhiều thì 50 quả, thậm chí có người còn cẩn thận mua tới trăm quả để đề phòng mưa bão kéo dài.
Không chỉ chợ dân sinh, chợ cóc, mà các siêu thị cũng ở trong trạng thái cháy hàng. Tại một cửa hàng tiện lợi Winmart khu vực Linh Đàm (Hoàng Mai), lúc 10h sáng nay, nhiều quầy hàng đã không còn một món đồ để bán. Còn ở siêu thị WinMart Thăng Long (quận Cầu Giấy), lượng khách đến siêu thị mua sắm sáng nay tăng 300% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Giám đốc Chuỗi WinMart cho biết, các mặt hàng có sức mua tăng gồm thịt, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu như bầu, bí và các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, đồ khô như mì gói…
Hay siêu thị lớn như Big C (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), khách cũng kéo đến đông đúc, quầy nào cũng chật kín khách. Có thời điểm, kệ chứa rau muống, rau ngót, rau lang hết sạch. Chị Trần Phương Thảo (quận Cầu Giấy) cho biết, lo ngại mưa bão ảnh hưởng nên chị chủ động đi mua sắm đồ thiết yếu trước. Chị tới muộn nên không mua được cà rốt, nhưng nhiều loại rau khác vẫn còn.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, siêu thị ghi nhận lượng khách tăng cao từ chiều hôm qua. Mặt hàng được khách chọn mua là rau, củ quả và thực phẩm tươi sống. Sản lượng hàng hóa tới thời điểm này tăng 100% so với ngày thường. Hệ thống siêu thị Big C đã phải làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng hàng trước và sau bão với giá cả bình ổn. Nguồn cung đủ, thoải mái để người dân mua sắm.
Trong khi đó, đại diện AEON Việt Nam thông tin, ngày 5 và 6/9, các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị AEON khu vực phía Bắc ghi nhận sức mua của khách hàng tăng mạnh so với ngày thường.
Riêng AEON Hải Phòng, sức mua tăng khoảng 20% so với ngày thường. Nguyên nhân là do địa phương này gần biển, chịu ảnh hưởng nhiều từ bão nên người dân lo lắng mua tích trữ thực phẩm sớm.
Sáng 6/9, Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết đã chuẩn bị nguồn hàng hóa, nhất là các loại nhu yếu phẩm, với tổng giá trị hàng trăm tỉ đồng. Sở cũng sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, cô lập.
Không riêng Hà Nội, người dân tại Hải Phòng cũng chủ động tích trữ thực phẩm phòng tránh mưa bão. Sáng 6/9, chị Lê Yến - chủ quán bánh mì ở đường Minh Khai (quận Hồng Bàng) đã phải nhập thêm 30kg giò chả để bán vì quá đông người đặt theo cân. Chị Yến bảo, cảnh này chỉ từng thấy trong thời điểm chuẩn bị giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Đến 7h, hàng thịt của bà Nguyễn Thị Ngân ở chợ Cố Đạo (quận Lê Chân) đã bán hết 80kg, sớm hơn bình thường 4 tiếng vì người dân mua với số lượng lớn để tích trữ trước bão. Bà Ngân chia sẻ, mọi người đều mua tới vài cân để tích trữ nên mới hết nhanh như vậy.
(Tổng hợp)