Singapore và câu chuyện về một đô thị có tốc độ tái định cư nhanh hàng đầu thế giới

Sau nhiều thập kỷ phát triển với quy hoạch đô thị tỉ mỉ đến từng chi tiết, Singapore đã trở thành hình mẫu cho một thành phố hoàn hảo. Nhưng tất cả những gì đạt được không phải đến một cách tình cờ.
z5381504927527-ef92e1789926793b1b2d23e80cee25c6-1714016670.jpg
Singapore trở thành Thành phố đáng mơ ước bởi quy hoạch tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Câu chuyện quy hoạch đô thị ở Singapore bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ trước. Vào ngày 12/9/1965, ngay sau khi Singapore tách khỏi liên bang Mã Lai và tuyên bố độc lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đứng trước những người ủng hộ ở tòa thị chính và nói: “Chúng ta đã tạo nên đất nước này từ con số không, từ các bãi bồi! Mười năm nữa đây sẽ là một đô thị. Đừng sợ hãi!”.

Vào thời gian ấy, đây là một tuyên bố táo bạo, thậm chí có phần ngạo mạn. Trong suốt 150 năm cai trị của thực dân Anh, Singapore trở thành một trung tâm trung chuyển thịnh vượng. Nhưng bên ngoài trung tâm là những bãi bồi, đầm lầy và những ngôi làng chài nghèo khó. Hầu hết dân cư sống trong những chung cư đông đúc, tồi tàn và thiếu nước sạch. Trên thực tế, người dân Singapore vào năm 1959 cũng nghèo như người Mỹ những năm 1860.

2-1714016880.jpg
Các kiến trúc ở Singapore luôn đi liền với cảnh quan và cây xanh.

Thế nhưng lịch sử đã chứng minh, lời tiên đoán táo bạo của Lý Quang Diệu đã trở thành sự thật. Ngày nay, Singapore trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu với quy hoạch đô thị dành cho tương lai. Ở đó được bao quanh bởi cây xanh tươi tốt, với đường chân trời là tập hợp những thiết kế ấn tượng của các kiến trúc sư hàng đầu, cộng thêm cơ sở hạ tầng công cộng - bao gồm mạng lưới giao thông toàn diện, hệ thống giáo dục và những con đường tuyệt vời - phục vụ dân số khoảng 5,8 triệu người trên một vùng đất rộng chỉ có diện tích 720 km2.

Diện tích chỉ 735,2 km2, vi thế tại Singapore, mỗi mét vuông đều quan trọng. Nguyên tắc quy hoạch rất rõ ràng, chủ yếu là các tòa nhà cao tầng nhằm tiết kiệm không gian, đồng thời đảm bảo sự cân bằng chức năng của các tòa nhà, kết hợp nhiều cây xanh cùng các thị trấn chiến lược bao quanh. Ưu tiên lớn nhất là đủ không gian sống cho người dân. Và thành tựu đáng chú ý của Lý Quang Diệu, người tin rằng để gây dựng ý thức về bản sắc và tích lũy tài sản chính là trao nhà cho người dân, là hơn 90% người Singapore và thường trú nhân sở hữu nhà của họ.Trước thời Lý Quang Diệu, nhà ở là vấn đề nhức nhối ở Singapore. Vậy nên ngay khi nắm quyền, Đảng PAP của ông đã thành lập Ban Phát triển và Nhà ở (HDB) vào năm 1960, một bộ phận của Bộ Phát triển Quốc gia chịu trách nhiệm xây dựng nhà ở công cộng. Ngay lập tức các khối tháp cao 10 đến 15 tầng được xây dựng, bổ sung hơn 50.000 đơn vị nhà ở cho thành phố trong vòng 5 năm đầu.

4-1714017162.jpg
: Hệ thống giao thông được thiết kế thông minh và tối ưu hóa đã giải quyết thành công tình trạng tắc nghẽn.

Chiến lược của HDB là ưu tiên cung cấp nhà ở cho các nhóm thu nhập thấp trước tiên. Ban đầu người dân được trợ cấp tiền thuê căn hộ. Sau đó, hỗ trợ tiền mua nhà từ Quỹ tiết kiệm trung ương. Vào thập niên 1960, theo những người đứng đầu Đảo quốc, “không nơi nào trên thế giới, ngoại trừ Nga và Đức, có tốc độ tái định cư nhanh hơn Singapore”.

Tiếp theo là một kế hoạch sâu rộng nhằm xây dựng thành phố mới trên địa điểm cũ, với các tòa nhà đổ nát và những khu ổ chuột không lành mạnh. Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng kéo dài ba thập kỷ của Lý Quang Diệu cho đến khi kết thúc năm 1990, tổng số đơn vị nhà ở xã hội của Singapore đã tăng từ 22.975 lên 557.575. Cho đến nay HDB đã xây dựng hơn một triệu căn hộ trên đảo, đưa khái niệm nhà ở xã hội lên một tầm cao chưa từng có, thậm chí được coi là “một biểu tượng của Singapore”.

Cùng với đó, tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người ở Singapore cũng tăng trưởng đáng kinh ngạc dưới sự điều hành của ông, từ 1.240 USD lên 18.437 USD. Ngoại thương tăng từ 7,3 tỷ USD lên 205 tỷ USD. Tuổi thọ tăng từ 65 lên 74 tuổi trong khi dân số tăng gần gấp đôi, từ 1,6 triệu lên 3 triệu.

6-1714017219.jpg
Ngay cả khi dân số có tăng thêm đáng kể, Singapore vẫn có đủ nhà ở

Tuy nhiên ngay cả khi dân số có tăng thêm đáng kể, Singapore vẫn có đủ nhà ở. Nhà kinh tế đô thị Edward Glaeser của ĐH Harvard chưa bao giờ giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với Singapore - không phải vì phong cách mà về hình thức, cấu trúc và chức năng đô thị đạt được. Ông nói: “Singapore đã trở thành hình mẫu lý tưởng về quy hoạch và sử dụng đất hiệu quả trong thế kỷ 21. Đó là một không gian chứa đầy những ngôi nhà có mật độ cao, cả ở nội thành và các khu vực ngoại ô, nơi nhà ở xã hội là lựa chọn tối ưu”.

Sự phát triển đô thị ở Singapore cũng luôn đi trước tương lai. Từ thập niên 1970 của thế kỷ trước họ đã phát triển mạng lưới giao thông kết hợp đường bộ, tàu điện ngầm và đường sắt, được thiết kế thông minh, tiện lợi dựa trên công nghệ cao. “Kết quả là”, Glaeser nói, “Singapore là một quốc gia có mật độ dân số cao thứ hai trên thế giới, nhưng đường phố hầu như không rơi vào tình trạng tắc nghẽn”.

marina-bay-sands-carousel01-rect-1714017261.jpg
Vịnh Marina, một trong những biểu tượng của Singapore

Richard Hassell, chủ sở hữu công ty xây dựng WOHA, thì nhận xét: “Với tốc độ không thể tin nổi, Singapore đã chuyển đổi thành một thành phố đẳng cấp thế giới với chất lượng cuộc sống đáng kinh ngạc. Các công trình giao thông, công nghiệp, khu thương mại và các cơ quan quản lý được quy hoạch với tầm nhìn rõ ràng về một thành phố sôi động, sống-làm việc-vui chơi trong một khu vườn nhiệt đới hoàn mỹ. Tất cả cũng được cải tiến liên tục và không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng”.

Để lý giải câu chuyện quy hoạch đô thị thành công ở Singapore, Liu Thai Ker, Chủ tịch Ban cố vấn của Trung tâm Thành phố đáng sống (CLC) cho rằng tất cả nhờ vào sự lãnh đạo và nền tảng chính trị ổn định. Bên cạnh đó, còn là về sự kiên trì, làm việc chăm chỉ và sự tầm nhìn hướng đến lợi ích cộng đồng.

“Tất cả đều muốn mọi người sống trong một môi trường tốt”, ông cho biết, “Nhưng những điều tuyệt vời không tự nhiên mà có, và một thành phố mơ ước như Singapore không được tạo nên một cách tình cờ”.