TikTok Shop có thể tăng mức phí bán hàng tại Việt Nam?

Mới đây, TikTok Shop của Mỹ thông báo tăng thêm 4% phí bán hàng, mức phí sau tăng là 6%. Động thái này khiến giới chuyên môn nhận định, đây có thể là dấu hiệu cho thấy TikTok sẽ thực hiện biện pháp điều chỉnh tương tự ở Việt Nam.

TikTok Shop chính thức ra mắt ở Việt Nam vào tháng 3/2022 cho phép người bán, thương hiệu và nhà sáng tạo nội dung tạo gian hàng, đăng ký sản phẩm như các kênh thương mại điện tử khác. Người dùng có thể thao tác thêm sản phẩm vào giỏ hàng, tiến hành đặt và thanh toán.

dang-nhap-tiktok-shop-thumb-1712541587.jpg
TikTok Shop chính thức ra mắt ở Việt Nam vào tháng 3/2022

Tại thị trường Việt Nam,TikTok là nền tảng mới được sử dụng những vẫn đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Một số báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 11/2023 đã ghi nhận hơn 2,8 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam hoạt động trên nền tảng này. Số lượng nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác đều giảm trong khi số lượng trên TikTok Shop lại tăng. Chỉ tính riêng năm 2023 đã có thêm 95.000 nhà bán hàng mới ra nhập nền tảng này. Trong khi đó, tại sàn Lazada, Shopee, Tiki và Sendo có tới hơn 105.00 nhà bán hàng rời đi.

Để gia tăng số lượng người bán hàng, TikTok Shop đã áp dụng mức phí thấp hơn nhiều so với các sàn thương mại điện tử khác. Điển hình như Lazada và Shopee với mỗi sản phẩm được thanh toán thành công người bán hàng phải trả phí từ 8 - 16%.

Năm ngoái, TikTok từng thực hiện một đợt điều chỉnh phí bán hàng tại Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 13/4/2023, TikTok Shop đã điều chỉnh mức phí bán hàng từ 2,5% lên 3%. Gần đây nhất, vào ngày 14/9/2023, phí giao dịch trên TikTok Shop là 4%, tăng 1% cho tất cả các giao dịch đủ điều kiện.

Giám đốc Công ty TNHH Fiko Việt Nam – ông Trần Nhật Tuấn cho rằng: “Nhìn chung, nếu phí giao dịch tăng 1% thì hoạt động kinh doanh cũng không gặp quá nhiều khó khăn. TikTok vẫn là một nền tảng mang lại lợi nhuận hiệu quả cho công ty. Vì đến thời điểm hiện tại, khoảng 70% doanh thu của chúng tôi đến từ affiliate”.

shop-1712541557.png
Bên cạnh phí giao dịch, các nhà bán hàng trên TikTok shop còn cần chi trả phí hoa hồng và phí vận chuyển trên giá trị mỗi đơn hàng

Được biết, đầu năm ngoái, ứng dụng “Cửa hàng” của Instagram đã bị xoá bỏ vì hoạt động không hiệu quả. Cuối năm 2022, Meta cũng đưa ra thông báo về việc người bán hàng vẫn có thể sử dụng Facebook Live để kinh doanh nhưng không thể tạo danh sách phát sản phẩm hoặc gắn thẻ sản phẩm trong phiên live được.

Mặc dù ra đời sau nhưng TikTok lại có bước đi mới là hoạt động theo phương thức mua sắm kết hợp giải trí – Shoppertainment. Trên nền tảng này, công cụ tiếp thị liên kết - Affiliate Marketing trở thành trợ thủ đắc lực để người bán hàng có cơ hội bứt phá doanh thu.

Người dùng TikTok có thể mua hàng ngay lập tức mà không cần chuyển sang bất kì ứng dụng hay trang web nào. Điểm mạnh này giúp thoả mãn nhu cầu tức thì và tiết kiệm thời gian của người mua. Bên cạnh đó, TikTok cũng đưa ra hàng loạt chính sách khuyến mãi ưu đãi và miễn phí vận chuyển tạo điều kiên để các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng “bội thu”.