Gần đây, thị trường bất động sản đã trở nên sôi động trở lại, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, người mua nhà. Điều này đã tạo ra cơ hội cho các nhóm “cò” đẩy mạnh hoạt động tư vấn, nhận bán hộ tài sản “mắc kẹt”…Đơn cử như tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), sau phiên đấu giá đất nóng hổi kết thúc vào tháng 8, nhiều “sàn giao dịch bất động sản” tạm bợ đã “mọc lên như nấm sau mưa” tại khu vực xung quanh.
Tư vấn mập mờ, giục khách “chốt” mua
Trong thời gian qua, các phiên đấu giá đất tại huyện vùng ven Hà Nội đã “đốt nóng” thị trường bất động sản với những mức giá trúng “kỷ lục”. Tuy nhiên, không chỉ đất đấu giá, nhiều “cò” đất và nhà đầu cơ chuyên nghiệp đã tận dụng cơ hội “thuận nước đẩy thuyền” nhằm tăng giá đất ở khu vực lân cận, thông tin đăng bán “gần khu vực đất đấu giá” nhưng khi đến xem lại là một mảnh đất khác.
Không chỉ ở Hà Nội, tình trạng môi giới trở lại với nhiều chiêu trò để thu hút khách hàng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương. Chẳng hạn như tại TP. HCM, khu vực phường 13 (quận Tân Bình), nơi dự kiến hoàn thiện nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất đang trở thành điểm nóng, với hàng chục lượt khách mỗi ngày được các môi giới dẫn đến xem nhà và đất.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng “may mắn” xem được đúng lô đất như thông tin mà môi giới đăng tải. Không những vậy, nhiều nhà đầu tư còn cho biết, các môi giới liên tục gọi điện thoại giục “vào tiền” bởi giá dự kiến sẽ tăng ít nhất vài chục triệu đồng cho mỗi m² đất trong thời gian tới,nếu không giao dịch ngày sẽ có người khách “nhảy” vào, hoặc phải mua với giá đắt.
Theo anh Võ Đăng Quang, một nhà đầu tư “có kinh nghiệm” tại khu vực này cho biết, tin lời môi giới, anh đã đến gặp trực tiếp để xem một mảnh đất trên mặt đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), có giá 160 triệu đồng/m² được giới thiệu. Kết quả là được dẫn đến một lô đất khác nằm sau trong hẻm, đường rộng chưa đầy 2m với mức giá gây bất ngờ gần 180 triệu đồng/m².
Tương tự, anh Dũng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, anh có hỏi về một căn hộ chung cư 62m² trên đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai), ban đầu chủ nhà đưa ra giá 3,7 tỷ đồng, nhưng vài ngày sau tăng lên 3,9 tỉ đồng. Thậm chí, các môi giới còn thúc giục anh nhanh chóng chốt mua vì dự kiến giá sẽ tăng lên 4,1 tỷ đồng do đường phố chuẩn bị mở rộng.
Anh Dũng cho biết thêm, có những trường hợp cùng một căn hộ nhưng mỗi môi giới lại đưa ra mức giá khác nhau theo chiều hướng tăng lên. Điều này cho thấy, họ đang tự đặt giá mới, không theo bất kỳ quy luật tăng trưởng nào, khiến người mua sợ giá tăng và lo bỏ lỡ cơ hội sẽ lựa chọn “xuống tiền” với người môi giới có giá thấp nhất.
Cẩn trọng “sập bẫy”
Theo các chuyên gia, việc quỹ đất ngày càng trở nên hạn hẹp và nguồn cung nhà ở khan hiếm, trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân lại ngày càng tăng cao đã khiến cho thị trường bất động sản luôn luôn trong tình trạng “nóng”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đã thẳng thắn nhận định rằng trong giai đoạn vừa qua, giá chung cư đã tăng một cách bất thường, đặc biệt tại Hà Nội và TP. HCM, chắc chắn chịu sự ảnh hưởng từ các nhóm lợi ích, hay chiến thuật của một nhóm đầu tư có mục đích không trong sáng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thêm, trên thị trường hiện nay đang tồn tại một thực trạng, các môi giới sử dụng chiến thuật “lướt sóng”, tự bỏ tiền đặt cọc với chủ tài sản sau đó rao bán lại. Khi có khách mua, họ sẽ “sang tay” ngay để hưởng lợi từ sự chênh lệch, giống với diễn biến tại các cuộc đấu giá.
Do đó, để không gặp rắc rối, người mua nên chủ động khảo sát và so sánh giá với những bất động sản khác trong cùng dự án, khu vực và phân khúc. Nếu phát hiện mức giá chênh lệch quá lớn so với giá mà môi giới đưa ra, người mua nên cân nhắc trả giá, tránh “sập bẫy” môi giới.
Thực tế, đã có không ít nhà đầu tư rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì quyết định theo lời môi giới. Trên một diễn đàn nhà đất đình đám, chị Hà Thu chia sẻ câu chuyện sau khi nghe tư vấn của môi giới, chị quyết định đầu tư một căn hộ cao cấp ở quận 9 (TP.HCM) cách đây hơn một năm, với cam kết chỉ cần bỏ ra 15% số tiền để nhận nhà, sau 6 tháng mới phải tất toán, trong thời gian đó bán chênh 100% có lãi.
Tuy nhiên, đến nay dù chấp nhận “cắt lỗ” 500 triệu đồng vẫn không thể bán ra. Thậm chí không thể cho thuê vì không phải ai cũng chấp nhận được mức giá tại khu vực này. Trong khi đó, chị Hà Vẫn phải chịu lãi ngân hàng mỗi tháng.
Việc môi giới nhà đất quảng bá sai lệch dự án để lừa nhà đầu tư mà không cảnh báo rủi ro là hoàn toàn không thể biện minh. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” bởi cơ hội luôn đi kèm rủi ro, quyết định đầu tư là quyền của khách hàng.
Do đó, người mua cần tiếp nhận thông tin tỉnh táo, đánh giá lợi ích và rủi ro trước khi đầu tư, thậm chí ngay cả khi phục vụ nhu cầu ở. Trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động, ngoài những môi giới uy tín, còn có nhiều “cò” hám lợi lừa đảo nhà đầu tư mới thiếu kiến thức.