Tranh cãi đề xuất lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, dự thảo luật hiện nay lại không cho phép người lao động bị sa thải hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn tìm việc, điều này khiến mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp không được đảm bảo.

Điểm mới liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp

Sáng ngày 9/11, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó có nhiều đề xuất quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn từ 2015 đến 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tăng đều qua các năm, với mức tăng bình quân khoảng trên 6% mỗi năm. Đến năm 2023, khoảng 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Dù vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn là một thử thách lớn. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả hai nhóm lao động mới được đề xuất.

sa-thai-1731312802.jpg
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội

Trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này, ngoài điểm mới đáng chú ý về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì đề xuất bổ sung một trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng rất được quan tâm.

Theo đó, 2 nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm thất nghiệp là: Thứ nhất, người lao động có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay là từ 3 tháng trở lên). Thứ hai là những người làm việc không trọn thời gian, nhưng có mức lương tháng bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu dùng để tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Còn trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo quy định của pháp luật về viên chức.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho linh hoạt hơn. Hiện tại, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cả người lao động và người sử dụng lao động là 1% tiền lương tháng, tuy nhiên điều này chưa đủ linh hoạt trong các tình huống đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hay suy thoái.

Chính phủ đề xuất quy định mức đóng tối đa 1% tiền lương tháng cho người lao động, 1% quỹ tiền lương tháng của người sử dụng lao động cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lao động.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần được đảm bảo

Liên quan đến đề xuất bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, người lao động bị sa thải thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới, bởi các doanh nghiệp thường dựa vào lý do sa thải để từ chối nhận họ. Điều này gây trở ngại cho người lao động trong việc tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp, cũng như trong quá trình tìm kiếm việc làm chính thức.

sa-thai-1-1731312802.jpg
Người lao động cần được đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp khi bị sa thải

Theo ông Hiểu, thực tế có không ít doanh nghiệp sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng. Thậm chí, một số doanh nghiệp áp dụng các "mánh khóe" như tăng chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được, hoặc ban hành nội quy trừ lương, thưởng khi người lao động không đạt KPI, vi phạm lỗi nhỏ trong quá trình làm việc.

Những hành động này dẫn đến việc người lao động bị mất phần lớn thu nhập, buộc họ phải tự chấm dứt hợp đồng lao động. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn trao đổi thông tin về người lao động với nhau, gây khó khăn cho họ trong việc tìm công việc mới.

Theo quy định hiện hành, các hành vi này của doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Dự thảo luật hiện nay lại không cho phép người lao động bị sa thải hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn tìm việc, điều này khiến mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp không được đảm bảo.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cũng cho rằng, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với nguyên tắc được bảo vệ khi mất việc. Do đó, nếu họ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong trường hợp bị sa thải là không hợp lý.

Về vấn đề này, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết cần phải phân biệt rõ lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ các trường hợp sa thải do vi phạm pháp luật hoặc quy định công ty như phá hoại tài sản hoặc tự ý bỏ việc. Mục tiêu là hỗ trợ những người lao động gặp rủi ro về việc làm, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng chính sách.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng nhấn mạnh, bảo hiểm thất nghiệp dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro và việc không loại trừ các trường hợp sa thải, kỷ luật vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ đi ngược lại bản chất của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.