Tranh cãi về đề xuất chi 5 triệu đồng cho người báo tin vi phạm giao thông

Trong dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân cung cấp thông tin có giá trị giúp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là 5 triệu đồng/vụ việc.

Bắt đầu từ ngày 6/8, Bộ Công an lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe. Dự thảo nghị định nhằm thực hiện quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo dự thảo Nghị định, kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được chi cho nhiều nội dung như: Tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...

chi-khen-thuong-1-1723023649.jpg
Dự thảo có đề xuất trích lại cho ngành 70 - 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông đường bộ

Dự thảo có đề xuất trích lại cho ngành 70 - 85% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và 30% từ đấu giá biển số xe. Ngoài lực lượng công an, các cơ quan khác được sử dụng từ 15% - 30% khoản thu từ xử phạt vi phạm giao thông, gồm: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ Giao thông Vận tải, HĐND và UBND các tỉnh, thành; Ban An toàn giao thông cấp tỉnh và huyện; lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự.

Đặc biệt, dự thảo có nội dung chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân cung cấp thông tin có giá trị giúp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là 5 triệu đồng/vụ việc.

Liên quan đến mức chi cho người dân báo vi phạm giao thông, một lãnh Cục CSGT (Bộ Công an) chia sẻ, từ trước đến nay, cơ quan chức năng một số địa phương đã có các hình thức khuyến khích người dân thực hiện việc này. Như hiện nay, cả Hà Nội và TP. HCM đều phát động người dân tham gia phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông qua Zalo và số điện thoại đường dây nóng. Việc làm này hoàn toàn trên trên tinh thần tự nguyện, không trả tiền cho người cung cấp.

chi-khen-thuong-2-1723023649.jpg
Bộ Công an đề xuất chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân cung cấp thông tin có giá trị giúp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là 5 triệu đồng/vụ việc

Theo vị này, trước đây lãnh đạo Cục CSGT cũng từng đề xuất quy định cho phép người dân gửi đến clip tự quay hoặc trích xuất qua camera hành trình ghi lại các phương tiện vi phạm. Khi đó, Cục CSGT có cổng thông tin tiếp nhận để xác minh, xử lý. Nếu xử phạt được người vi phạm, người cung cấp sẽ được trả một phần trong số tiền đó. Tuy nhiên, đây chỉ là đề xuất và chưa triển khai chính thức.

Luật sư Hà Thị Khuyên (Trưởng văn phòng Luật sư Nhân Chính) cho biết, Luật Tố cáo quy định, tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết hành vi vi phạm pháp luật (hành chính hoặc hình sự) của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Như vậy, có thể hiểu khi cá nhân phát hiện hành vi vi phạm và tố cáo, người tiếp nhận nội dung có trách nhiệm xử lý, giải quyết nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển tới cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Theo luật sư Khuyên, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống vừa là quyền và vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của một công dân. Với tố cáo có căn cứ, cơ quan chức năng có thể khích lệ người dân dưới nhiều hình thức như khen thưởng, biểu dương thành tích… Tuy nhiên, không nên trả tiền cho việc làm này vì đó là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.

Ngoài ra, trả tiền cho việc tố cáo vi phạm có thể tạo ra sự thụ động theo kiểu trả tiền thì tố cáo, không trả tiền thì không tố cáo. Thậm chí, có thể xuất hiện việc mặc cả lợi ích vật chất để không tố cáo, hậu quả dẫn đến hành vi bao che cho vi phạm pháp luật. Vì vậy, trả tiền để khuyến khích người dân tham gia tố cáo vi phạm giao thông không phải là giải pháp bền vững.