Các chuyên gia cho biết, hiện nay, người dân vẫn có tâm lý tin rằng gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng là an toàn nhất so với đầu tư bất động sản.
Tuy nhiên, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại hiện đã bắt đầu xuống thấp kỷ lục. Thậm chí, nhiều nhà băng đã giảm lãi suất huy động xuống quanh mức 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất huy động giảm mạnh khiến không ít kỳ vọng rằng dòng tiền trong dân cư sẽ đổ vào bất động sản - kênh đầu tư có lợi suất hấp dẫn hơn so với gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.
Tuy nhiên, số liệu cho thấy, dòng tiền vẫn chưa thực sự trở lại thị trường bất động sản. Theo một thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý III/2023, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong khi đó, dư nợ tín dụng chi tiêu cho mua bất động sản lại giảm gần 2%.
Mới đây, trong tọa đàm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ông Alex Phạm, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Tài chính Bất động sản Tulip (FINA) cho rằng, người dân vẫn tin rằng gửi tiền vào tiết kiệm ở ngân hàng là an toàn nhất so với đầu tư vào bất động sản.
Với câu hỏi làm thế nào để người dân yên tâm rút tiền từ ngân hàng để mua bất động sản, vị lãnh đạo nhấn mạnh, điều này còn phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư. Cụ thể, ông Alex Phạm cho rằng, tâm lý quyết định phần lớn đến nhu cầu giao dịch của người dân, vì thế đòi hỏi thị trường cần cung cấp thêm những sản phẩm chất lượng thật, đáp ứng đúng nhu cầu thật, nếu là bất động sản cho thuê thì phải có vị trí tốt cũng như giúp nhà đầu tư khai thác dòng tiền cho thuê hiệu quả ngay tức thì.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác là tính pháp lý, độ an toàn của sản phẩm khi đầu tư vào bất động sản để người mua an tâm xuống tiền. Những dự án đã có sẵn sản phẩm, đảm bảo về tỷ suất lợi nhuận cho thuê sẽ dần kéo được dòng tiền về cho thị trường.
Còn theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, lãi suất đã giảm sâu nhưng người dân vẫn không rút tiền khỏi ngân hàng. Ông Tuấn cho rằng, thị trường trước đây không lan tỏa như hiện tại, nhưng thông tin hiện nay quá nhanh nhạy đã ảnh hưởng đến tâm lý người mua. Chỉ cần 1 tin rao bán cắt lỗ là mọi người có thể chụp lại và chia sẻ ở rất nhiều nơi tạo nên tâm lý hoang mang, e ngại. Chính vì thế, người dân thà chấp nhận gửi tiền ở ngân hàng với lãi suất vài phần trăm, còn hơn đầu tư vào bất động sản.
“Một thông tin khá thú vị đó là thông tin cắt lỗ đã giảm dần sau tháng 8, trước đó là 1,4%, giờ chỉ còn 0,8. Nếu quý 2 lượng tin cắt lỗ tăng 34%, quý 3 là 22% và giờ quý 4 lượng tin cắt lỗ giảm về lại còn 10%. Tuy nhiên, vì tâm lý săn hàng cắt lỗ sâu nên chỉ cần 1 tin được đăng lên thì lượng xem cao nhất, gấp 5 - 6 lần so với bình thường. Cứ thấy tin rao cắt lỗ 30-40% thì họ sẽ đăng khắp nơi”, ông Đinh Minh Tuấn cho hay.
Kỳ vọng bức tranh tươi sáng của thị trường bất động sản khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS được thông qua
Có thể thấy, những tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản đã bắt đầu xuất hiện với tần suất nhiều hơn kể từ quý III/2023. Nguồn cung được cải thiện, thanh khoản bắt đầu gia tăng, các chủ đầu tư bung hàng, nhiều sự kiện mở bán ghi nhận số lượng nhà đầu tư quan tâm đột biến.
Tín hiệu khởi sắc được cho là đến từ động thái quyết tâm gỡ khó cho thị trường địa ốc của Chính phủ. Nhiều trợ lực từ lãi suất ngân hàng sụt giảm mạnh cộng hưởng với tâm lý lạc quan kỳ vọng của giới đầu tư khiến thị trường đổi gam màu.
Mới đây, nhiều kỳ vọng về bức tranh tươi sáng của thị trường bất động sản khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản đã được thông qua.
Theo Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way, Luật Kinh Doanh Bất động sản đã giải quyết được một số vướng mắc còn tồn đọng trước đó của thị trường địa ốc.
Còn ông Phan Lê Thành Long - CEO & Founder AFA GROUP, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam nhận định, thị trường khá hồ hởi trước việc Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua. Mặc dù sẽ phải chờ các luật có hiệu lực cũng như Nghị định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ ngành, đặc biệt về những nội dung nêu trong Luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ, Bộ ngành hướng dẫn. Tuy nhiên, việc thông qua 2 luật này sẽ là cú hích để thị trường hướng đến sự phát triển bền vững và lành mạnh.
Vị này nhấn mạnh, đây là cú hích để thị trường hướng đến sự phát triển bền vững và lành mạnh, chứ không phải luật mới ra đời để thúc đẩy thị trường nóng lên với những hoạt động đầu cơ, lướt sóng.
Các chuyên gia của CTCK Maybank Investment bank (MSVN) nhận định, điểm chính của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nằm ở việc giúp các doanh nghiệp bất động sản giải quyết các vấn đề liên quan đến quỹ đất nhà ở xã hội. Việc đưa 20% nhà ở xã hội vào nhà ở thương mại sẽ không còn là việc bắt buộc mà là trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương.
Dẫu vậy, một số chuyên gia cho rằng, khả năng thị trường có sự đột biến về diễn biến trong ngắn hạn là điều khó xảy ra bởi thị trường cần thời gian “ngấm thuốc” cũng như có nội lực tốt để bật dậy. Ảnh hưởng của nền kinh tế vẫn khiến nhiều nhà đầu tư trong trạng thái dò xét, cân đối khi xuống tiền.