Việt Nam đang có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt: “Những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những hạt gạo nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khóa cho các công nghệ số trong tương lai… Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Định hướng nghiên cứu Khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lục phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam vừa diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội mới đây.

Đặc biệt đánh giá cao vai trò của ngành bán dẫn đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, để tạo điều kiện cho lĩnh vưc này phát triển, thời gian qua chính phủ và các bộ ngành cũng đã có nhiều chính sách ưu tiên, thu hút đầu tư, hoàn thiện hành lang pháp lý… giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các “ông lớn” công nghệ toàn cầu. Các công ty Việt cũng đang chứng kiến sự trỗi dậy, vươn ra thị trường thế giới như Viettel, FPT, VNChip…

cong-nghiep-ban-dan-viet-1713521386.jpg
Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể thời gian qua với nhiều doanh nghiệp thành công chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Theo chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2030, xác định công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn… là một trong những công  nghệ lõi được tập trung đầu tư. Nhiều chương trình cấp quốc gia đã được xây dựng để thúc đẩy quá trình này như Chương trình Sản phẩm quốc gia, chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc CMCN 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hoá, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước…

Với tư cách là quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ (SHTT)…, những năm qua Bộ KH&CN cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới, đẩy mạnh các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

bo-truong-huynh-thanh-dat-1713521509.jpg

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: "Những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những ‘hạt gạo’ bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác".

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh: “Chúng ta không thể xây dựng được ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nếu không có năng lực nội sinh. Do đó cần lực lượng lao động chất lượng cao, làm chủ quy trình thiết kế và thương mại hóa sản phẩm.

Để nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam trong ngành, cần tập trung quanh 6 trụ cột chiến lược bao gồm: Thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; Tích cực thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch bán dẫn “made in Vietnam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu; Hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành cấu trúc ngành vi mạch bán dẫn cần đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên kết vùng; Chuẩn hóa quy trình đào tạo và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế; Tuân thủ các quy định quốc tế khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về vi mạch bán dẫn; Cuối cùng và rất quan trọng, Việt Nam cần có “đầu tư mạo hiểm”.

Các chuyên gia cùng nhất trí, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, mặc dù cơ hội để phát triển là rất lớn, tuy nhiên những thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Để vượt qua những thách thức đồng thời hướng đến mục tiêu Việt Nam trở thành một trung tâm bán dẫn, chúng ta phải có cách tiếp cận có tính đột phá, khai thác tối đa lợi thế của nước đi sau.