AI góp phần “cứu cánh” ngành hàng không

Hiện nay, các hãng hàng không hàng đầu đang ứng dụng AI để tăng sự hài lòng của khách hàng và cải thiện hiệu suất hoạt động.

Ảnh minh họa

Tháng 4/2024, một chuyến bay của hãng United Airlines (Chicago) đến London đã sẵn sàng khởi hành nhưng vẫn phải đợi 13 hành khách nối chuyến. Do đó, hãng hàng không này dự kiến sẽ trễ chuyến khoảng 7 phút. Nhưng nhờ công cụ AI có tên ConnectionSaver, máy bay có thể đợi khách và hành lý ký gửi mà vẫn đến đích đúng giờ.

Được biết, hệ thống sẽ gửi tin nhắn cho những hành khách đến muộn và những người đang đợi trên máy bay để giải thích tình hình. Theo đó, hành khách có thể tận dụng mọi cơ hội để bắt chuyến bay gần nhất trước khi cửa ra tàu bay đóng.

Bên cạnh United Airlines, Alaska Airlines, American Airlines...các hãng hàng không khác của Mỹ cũng đã ứng dụng AI mới để hỗ trợ hành khách có những chuyến bay dễ dàng hơn.

AI có khả năng hỗ trợ các hãng hàng không xử lý lượng thông tin khổng lồ

Nhà phân tích ngành hàng không cho ngân hàng đầu tư TD Cowen - Helane Becker đưa ra đánh giá: Ngày nay, các công cụ AI sẽ giúp ngành hàng không giảm chi phí và tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm nhiên liệu…

Tờ New York Times đưa tin về nhận định của Phó Chủ tịch công nghệ thông tin tại hãng hàng không - Vikram Baskaran: AI đã giúp các nhân viên điều phối của Alaska Airlines lên kế hoạch cho các tuyến bay hiệu quả hơn kể từ năm 2021. Ngoài ra, nó giống như một bản đồ Google dành cho không phận.

Bên cạnh đó, AI còn sở hữu lượng thông tin khổng lồ mà con người không thể xử lý được.

Tại Alaska, trong năm 2023 đã có khoảng 25% chuyến bay sử dụng hệ thống này để giảm thời gian bay. Nhờ đó, tiết kiệm được 1,8 tỷ lít nhiên liệu.

Không chỉ vậy, dưới mặt đất, hãng American Airlines sử dụng hệ thống AI Smart Gating. Hệ thống này sẽ đưa máy bay đến cổng bay đang mở gần nhất với thời gian ngắn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu thời gian chờ đợi của hành khách. American Airlines ước tính đã tiết kiệm được 17 giờ/ngày cho thời gian lăn bánh và hơn 5 triệu lít nhiên liệu mỗi năm.

Cũng theo New York Times, các AI tạo sinh trong đó bao gồm ChatGPT, Gemini…đang giúp các hãng hàng không giao tiếp với hành khách thuận tiện hơn. Chẳng hạn như việc theo dõi các thông tin chi tiết, soạn một văn bản giải thích và gửi đến đúng người cho 5.000 chuyến bay/ngày là quá sức cho nhân viên của hãng nhưng AI tạo sinh có thể xử lý những việc như vậy một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Có thể thấy, AI tạo sinh rất giỏi trong việc tóm tắt văn bản và biến nó trở thành một công cụ mạnh mẽ để đọc email của khách hàng. Alaska là một trong những hãng bay đầu tiên sử dụng AI để xử lý tin nhắn của khách hàng. Cụ thể, hệ thống của các hãng hàng không sẽ đọc từng email sau đó tóm tắt các vấn đề được nêu ra.

Tuy nhiên, AI không phải lúc nào cũng chính xác. Năm 2022, một chatbot của Air Canada đã đưa ra thông tin sai lệch liên quan đến việc một hành khách của hãng này nếu đặt chuyến bay nguyên giá, không giảm để đến đám tang của một người thân thì anh ấy có thể nhận được trợ cấp mai táng.

Do đó, việc vận dụng AI để hỗ trợ phát triển ngành hàng không, giúp tăng hiệu quả hoạt động của các hãng và nâng cao trải nghiệm khách hàng là điều cần thiết. Nhưng, vẫn cần sự giám sát chặt chẽ của con người nhằm hạn chế tối đa những nhầm lẫn của các chatbot AI.