AI tăng cường cảnh báo lũ lụt, dự báo thời tiết

AI đã tham gia hỗ trợ tích cực vào công tác dự báo thời tiết trên toàn cầu, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức từ việc cảnh báo tới thực tiễn. Các chuyên gia nhấn mạnh ,cần có sự chuẩn bị tốt hơn cho rủi ro khí hậu từ nhiều góc độ khác nhau.

AI đã thúc đẩy dự báo thời tiết, sử dụng một loạt các công cụ thống kê để phân tích dữ liệu lịch sử nhiều năm và dự đoán các mô hình, với chi phí thấp hơn so với dự đoán thời tiết bằng số truyền thống.

Công nghệ AI có thể đưa ra những dự đoán cụ thể hơn trước các sự kiện như lũ lụt đô thị hoặc ở địa hình phức tạp như vùng núi. Ví dụ, GraphCast do Google tài trợ đã sử dụng một phương pháp dựa trên máy học được đào tạo trực tiếp từ dữ liệu phân tích lại, được đánh giá có hiệu quả vượt trội hơn các mô hình truyền thống. Dữ liệu phân tích lại dựa trên các dự báo trong quá khứ được chạy lại với các mô hình dự báo hiện đại để cung cấp bức tranh hoàn chỉnh nhất về thời tiết và khí hậu trong quá khứ.

Nhưng các chuyên gia cho biết vẫn còn những khoảng cách về kiến ​​thức, về cách sử dụng thông tin và về việc đầu tư để tăng cường các mô hình thu thập dữ liệu.

AI đã dự đoán chính xác về những sự kiện thời tiết cực đoan ở nhiều nơi trên thế giới thời gian qua.

Andrew Charlton-Perez, giáo sư khí tượng học tại Đại học Reading ở Anh, cho biết: "Trong một số trường hợp và đối với một số biến số, các mô hình AI có thể đánh bại các mô hình dựa trên vật lý, nhưng trong những trường hợp khác thì ngược lại".

AI chỉ thực sự tốt khi dữ liệu để đào tạo nó đầy đủ. Nếu có ít dữ liệu đầu vào hoặc các sự kiện cực đoan xảy ra thường xuyên hơn vào các thời điểm khác nhau trong năm hoặc ở các khu vực khác nhau, thảm họa thời tiết sẽ trở nên khó dự đoán hơn.

Kể từ tháng 1, Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu (ECMWF) đã sử dụng Hệ thống dự báo tích hợp/Trí tuệ nhân tạo (AIFS). Mô hình dự báo này dựa trên dữ liệu, đưa ra nhiều dự đoán nhanh chóng và cung cấp dự báo dài hạn về các sự kiện thời tiết như lốc xoáy và nắng nóng. Các chuyên gia cho biết, số liệu của ECMWF trước trận lũ tháng 9 là chính xác. Nhưng ngay cả với những dự báo chính xác, các nhà khoa học cho rằng giao tiếp vẫn là chìa khóa, đặc biệt là trong thời đại mà biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.

Shruti Nath, trợ lý nghiên cứu sau tiến sĩ về dự báo thời tiết và khí hậu tại Đại học Oxford cho biết: "Tôi nghĩ những gì đã xảy ra với (trận lũ lụt gần đây) ... là nó rất hiếm - một sự kiện chỉ xảy ra một lần trong 150 đến 200 năm - đến nỗi ngay cả khi các mô hình thời tiết ghi lại được thì vẫn có mức độ không chắc chắn hợp lý".

"Bạn phải đưa ra cảnh báo theo cách truyền đạt, ở mức độ nghiêm trọng mà nó có thể gây ra cho mọi người, khi đó mọi người có thể thấy chi phí của việc không hành động so với chi phí của hành động thực sự lớn hơn nhiều. Vì vậy, khi đó họ sẽ thực sự đầu tư nhiều nguồn lực hơn", bà nói.

Một báo cáo từ Cơ quan Môi trường Châu Âu đã cảnh báo Châu Âu đang phải đối mặt với những rủi ro cấp bách về khí hậu đang vượt quá các chính sách và hành động thích ứng.

Dù dự báo được thời tiết trước, nhưng sự chuẩn bị của con người để chống lại các thời tiết cực đoan lại là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

EEA cho biết tình trạng nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu ngay cả trong những kịch bản nóng lên toàn cầu lạc quan và ảnh hưởng đến điều kiện sống trên khắp lục địa.

Một số doanh nhân công nghệ cho rằng, châu Âu chưa sẵn sàng. Jonas Torland, đồng sáng lập công ty 7Analytics có trụ sở tại Na Uy, chuyên phát triển các mô hình dự báo lũ lụt và lở đất, cho biết các chính phủ và doanh nghiệp tại Mỹ có những nhà quản lý rủi ro quen với việc đánh giá các mối nguy hại về môi trường, trong khi ở châu Âu, các nhà chức trách lại thiếu sự sẵn sàng.

"Mặc dù AI là một thành phần quan trọng của các mô hình này, nhưng thật không may, các chính phủ không đầu tư hoặc mua các giải pháp AI tiên tiến này", ông nói và cho biết thêm rằng ông tin rằng các chính phủ "sẽ tiếp tục sử dụng các nhà cung cấp dữ liệu và cố vấn cũ của họ".

Các nhà khoa học khác nhấn mạnh rằng ngoài việc cải thiện khả năng dự báo, chính quyền cần đầu tư vào các giải pháp vật lý, như phát triển các khu vực có thể lưu trữ nước lũ an toàn và hệ thống cảnh báo sớm.

Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Đại học Hoàng gia London, cho biết trong email trả lời các câu hỏi: "Vấn đề không phải là dữ liệu, công nghệ hay kiến ​​thức. Vấn đề là ở việc thực hiện và ý chí chính trị".

"Miễn là thế giới vẫn đốt nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu, thì các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục gia tăng", ông nói thêm.