Ba giải pháp
Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024, nhiều vấn đề đã được lãnh đạo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp, chuyên gia mổ xẻ, bàn luận.
Trong đó, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp triển khai NOXH và đặc biệt là người dân quan tâm đến mục tiêu xây dựng 130.000 căn trong năm 2024.
Bàn về mục tiêu này, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nói, để thực hiện được mục tiêu ngắn hạn (130.000 căn trong năm 2024) đòi hỏi chúng ta phải có sự quyết tâm rất cao của các bộ ngành, các địa phương và các doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Hải, ngoài sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì cần tập trung vào 3 giải pháp cốt lõi để có thể hoàn thành mục tiêu trên.
Trước hết, phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch về nhà ở của địa phương. Trong đó cần làm rõ mục tiêu về NOXH, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở cho công nhân và những người thu nhập thấp. Bộ Xây dựng đã phân bổ rất rõ cho các địa phương, mỗi địa phương sẽ phải hoàn thành bao nhiêu căn hộ. Điều này đòi hỏi các địa phương cũng phải có những chỉ đạo quyết liệt theo mục tiêu đã đề ra.
Sau đó, một giải pháp vô cùng quan trọng theo ông Hoàng Hải đó là phải bố trí quỹ đất để phát triển NOXH. Vì suy cho cùng, không có quỹ đất đủ thì những giải pháp, mục tiêu khác cũng chỉ nằm trên giấy.
Giải pháp thứ ba, đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cần lựa chọn ngay chủ đầu tư để tiến hành xây dựng. Đối với các dự án đã khởi công, cần đôn đốc các chủ đầu tư tập trung xây dựng, hoàn thành sớm để đưa vào nghiệm thu và sử dụng.
Đối với các quỹ đất chưa có chủ trương cần tiến hành lập chủ trương và lựa chọn chủ đầu tư. Đối với những quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, theo quy định của pháp luật những chủ đầu tư nào phải làm thì yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương triển khai hoặc bàn giao lại cho địa phương làm hoặc thu hồi để triển khai ngay.
“Đồng thời cần khẩn trương xem xét các dự án để công bố trên các trang thông tin của UBND cấp tỉnh, thành phố để các chủ đầu tư và người dân được tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp, các dự án nào đang triển khai phải gấp rút hoàn thành sớm và áp dụng các công cụ mới để rút ngắn thời gian thi công, giảm được chi phí và giá thành. Những dự án đã hoàn thành cần công bố danh sách để người dân sớm được tiếp cận và đăng ký mua nhà của các dự án này. Với những sự quyết tâm như vậy, trong năm 2024 sẽ hoàn thành được 130.000 căn hộ”, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.
Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Cũng trong Hội nghị này, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 1 triệu căn hộ NOXH. Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án như: cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án; thiếu quỹ đất; nguồn vốn tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn chưa đồng bộ, thời gian thực hiện kéo dài.
Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển dự án nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do, chưa thu hút được các nhà đầu tư vay vốn.
Trước những vướng mắc này, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thừa nhận vấn đề quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đang quy định còn hơi cứng nhắc. Vì thế, sắp tới cần phải sửa đổi theo hướng mở hơn. Đồng thời, cần có chính sách làm sao khuyến khích được các nhà đầu tư nhà ở xã hội tham gia thực hiện các dự án.
“Ví dụ như bố trí các quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại nếu đủ diện tích đất dành cho nhà ở xã hội. Hay vấn đề về giá bán, chúng ta sẽ có giải pháp theo hướng tính đúng, tính đủ, thời điểm xác định giá bán, đối tượng mà chúng ta mở rộng, điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng sẽ theo hướng đơn giản hơn. Trước kia chúng ta có ba điều kiện thì nay chỉ còn hai điều kiện”, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản chia sẻ.
Theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội. Như vậy, so với báo cáo năm 2020 (3.359ha), diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 5.031ha. Trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 411.250 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 71 với quy mô 37.868 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 127 dự án với quy mô 107.896 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 301 dự án với quy mô 265.486 căn.