"Bãi rác bánh kẹo" và những lo ngại về sức khoẻ từ thực phẩm không rõ nguồn gốc

Phần lớn bánh kẹo bị bỏ tại bãi rác có bao bì in bằng chữ Trung Quốc. Chúng được đóng trong những túi nhỏ. Tại đây còn có cả những sản phẩm thường xuyên xuất hiện ở các cổng trường học. Một số sản phẩm đã bắt đầu chảy nước và bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Chuyện diễn ra mỗi năm

Ngày 5/2, thông tin về một "bãi rác bánh kẹo" xuất hiện tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Cụ thể, tại khu vực bãi rác sát đường tàu thuộc xã La Phù xuất hiện một lượng lớn bánh kẹo hết hạn sử dụng bị vứt bỏ bừa bãi khắp nơi.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, phần lớn bánh kẹo bị bỏ lại có bao bì in bằng tiếng Trung Quốc. Các loại bánh kẹo bị vứt bỏ trong bãi rác rất đa dạng, trong đó chủ yếu là bánh quy.

Nhiều loại bánh kẹo thường xuyên xuất hiện ở các cổng trường học, cũng bị bỏ tại đây

Những sản phẩm như bánh kẹo, xúc xích được đóng trong những túi nhỏ, loại thường xuyên xuất hiện ở các cổng trường học, cũng bị bỏ lại tại khu vực này. Một số bánh kẹo đã bắt đầu chảy nước và bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Chỉ cần ô tô, xe máy đi qua, ruồi nhặng bay lên thành từng đàn.

Cảnh tượng này khiến những người đi qua khu vực luôn cảm thấy sợ hãi. Chị Trần Trang (Dương Nội, Hà Đông) cho hay, chị có việc phải di chuyển qua bãi rác này, nhìn cả đống bánh kẹo vứt bỏ ở bãi rác, ruồi nhặng bu kín mà sợ hãi. Bánh kẹo hết hạn thì không thể dùng, nhưng phải có cách xử lý chứ, sao lại để ngoài bãi rác để ô nhiễm môi trường như vậy.

Đứng giữa đống bánh kẹo, dù bị ruồi nhặng bâu, một người đàn ông vẫn cặm cụi khui từng thùng bánh kẹo hết hạn để đổ ra, lấy thùng cát tông. Ông bảo, biết là ô nhiễm, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải làm. Ở đây là làng nghề chuyên sản xuất và buôn bán bánh kẹo nên các mặt hàng quá hạn đều bị vứt ra đây.

Bánh kẹo bị bỏ lại có bao bì in bằng tiếng Trung Quốc

Tuy nhiên, với người dân La Phù, đây là chuyện bình thường, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về lại xảy ra như vậy. Trong làng có nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo, ngoài ra cũng có một lượng lớn bánh kẹo được nhập từ nơi khác về để bán trong dịp Tết.  Hàng năm, bánh kẹo không bán hết và hết hạn sử dụng đều bị vứt bỏ kiểu này, nhưng số lượng thường không nhiều. Nhưng năm nay, lượng bánh kẹo bị vứt bỏ nhiều hơn hẳn.

Một người dân ở La Phù cho hay, tình trạng này thường chỉ xảy ra vào những tháng sau Tết. Do bánh kẹo ngọt nên ruồi nhặng bu lại rất nhiều ở đây. các hộ gia đình sống xung quanh khu vực này rất bức xúc nhưng không thể làm gì được. Không khí ô nhiễm và sự xuất hiện của ruồi nhặng gây nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh.

Về việc bánh kẹo bị đổ ra bãi rác, người này thông tin thêm, bên thu gom rác nói bánh kẹo thừa, hết hạn không phải là rác thải sinh hoạt mà là rác thải công nghiệp thực phẩm nên không thu gom như rác thải bình thường.

Ông Nguyễn Duy Giang - Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, ngay khi nhận được thông tin về sự việc, chính quyền xã đã vào cuộc xác minh và xây dựng phương án xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện xã đang làm rõ nguồn gốc của số bánh kẹo bị vứt bỏ. Liệu chúng có phải do các cơ sở ở đây hay từ nơi khác đưa vào?

Xã cũng chưa xác định được chính xác số lượng bánh kẹo hết hạn bị vứt bỏ ra môi trường, nhưng ước tính ban đầu khoảng vài tạ. "Chúng tôi đang phối hợp với quản lý thị trường để xác minh nguồn gốc lô bánh kẹo đó. Sau đó, chúng tôi sẽ tiêu hủy toàn bộ theo quy định," ông Giang cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã La Phù chia sẻ, trong xã có nhiều cơ sở sản xuất và buôn bán bánh kẹo. Hàng ngày, có rất nhiều loại bánh kẹo được xuất đi và đưa về từ các nơi khác, tất cả đều đóng gói cẩn thận trong thùng hàng nên rất khó phân biệt đâu là bánh còn hạn sử dụng và đâu là bánh đã hết hạn. Chỉ khi các thùng hàng bị bỏ lại ngoài đường nhiều ngày, mở ra mới phát hiện đó là bánh kẹo hết hạn sử dụng.

Bánh kẹo, xúc xích được đóng trong những túi nhỏ

La Phù nằm ở phía Tây Hà Nội, là một trong những làng nghề nổi tiếng của miền Bắc chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bánh kẹo, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán.

Trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và đình chỉ hoạt động của một số cơ sở vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm.

Nguy hại bánh kẹo không rõ nguồn gốc

Thông tin về “bãi rác bánh kẹo” có nhiều loại thường xuyên xuất hiện ở các cổng trường học khiến phụ huynh không khỏi lo lắng. Thực tế ghi nhận không ít vụ trẻ em bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bánh kẹo không rõ nguồn gốc.

Như trong năm 2023, hàng loạt vụ học sinh ăn kẹo bán trôi nổi rồi bị ngộ độc đã xảy ra. Điển hình, tại tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nhiều trường hợp học sinh tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, buồn nôn do ăn kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Loại kẹo dẻo được trẻ con yêu thích, xuất hiện ở bãi rác xã La Phù

Hay tại Trường THCS Vĩnh Trại (Lạng Sơn), 2 học sinh đã có những biểu hiện bất thường sau khi sử dụng gói kẹo không rõ nguồn gốc. Lực lượng chức năng địa phương sau đó đã tiến hành rà soát, thu giữ một số lượng lớn kẹo nhập khẩu không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường.

Tại Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), 11 học sinh có biểu hiện đau bụng và buồn nôn sau khi ăn một loại kẹo có vỏ màu xanh, chữ Trung Quốc khi trên đường đi học, sau đó chia nhau ăn. Nhà trường đã phải đưa các em đến Trạm y tế phường Đại Mỗ để khám và theo dõi sức khỏe.

Còn ở Trường THCS Nguyễn Du (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), một số học sinh bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn kẹo lạ mua gần trường.

Theo PGS.TS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, hóa chất và chất tạo mùi công nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe là điều không thể phủ nhận. Nếu các cơ sở sản xuất thủ công, nhỏ lẻ không tuân thủ các quy chuẩn an toàn và sử dụng hóa chất, phẩm màu, chất bảo quản vượt quá mức cho phép, thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe là rất cao.

Hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp có mức độ độc hại rất lớn. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng, hệ thần kinh, và da khi tiếp xúc trực tiếp. Việc tiêu thụ bánh kẹo có tồn dư hóa chất công nghiệp có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn. Thậm chí, những hóa chất này có thể tích tụ trong cơ thể, gây tác động lâu dài đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.