Sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, nhiều người rước họa vào thân

Bác sĩ Trần Văn Bắc chia sẻ, người dân cần cảnh giác trước những lời quảng cáo, chào mời bán các sản phẩm thuốc Đông y không rõ nguồn gốc (không có thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế). Tuyệt đối không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc.

Nhập viện vì uống thuốc không rõ nguồn gốc

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp liên quan đến sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Điển hình là một bệnh nhân nữ (66 tuổi) quê Bắc Ninh. Bệnh nhân vốn có sức khỏe bình thường, nhưng lại có thói quen mỗi khi thấy mệt mỏi là tự điều trị bằng cách bốc thuốc về uống. Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, bà đã tự cắt thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để uống với liều lượng rất cao là 50 viên mỗi lần, 2 lần/ngày.

dong-y-1-1725616744.jpg
Nhiều bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc không rõ nguồn gốc (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

20 ngày sử dụng thuốc liên tục, sức khỏe của bà không cải thiện mà còn càng suy giảm hơn, với các triệu chứng vàng da, vàng mắt và nước tiểu sẫm màu. Thấy vậy, người nhà đã đưa bà tới cơ sở y tế để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng của bà vẫn tiến triển xấu đi, với dấu hiệu suy gan rõ rệt. Chỉ số vàng da của bệnh nhân tăng gấp 15 lần, còn men gan gấp 20 lần so với bình thường.

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm viêm gan thông thường như viêm gan A, B, C, E, và viêm gan tự miễn. Kết quả xét nghiệm đều âm tính, khiến các bác sĩ nghi ngờ tình trạng của bà là do ngộ độc thuốc Đông y, gây ra viêm gan nhiễm độc cấp.

Sau 10 ngày điều trị tích cực với các thuốc nội khoa để nâng đỡ chức năng gan, tình trạng của bệnh nhân đã có sự cải thiện đáng kể. Bệnh nhân đã dần ổn định, có thể ăn uống tốt hơn và nước tiểu trở lại màu sắc bình thường.

Một trường hợp khác cũng là một nữ bệnh nhân (54 tuổi) ở Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, thường xuyên sử dụng thuốc điều chế mua trên mạng có tên là Liên Hoa Sơn, kết hợp với uống lá đu đủ và củ ráy để tự điều trị. Khoảng 20 ngày trước khi nhập viện, bà cảm thấy mệt mỏi và ăn uống kém nên đã đến viện khám.

Kết quả, men gan của bà tăng cao, được chỉ định nhập viện tại khoa Viêm gan để điều trị. Dựa trên triệu chứng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm gan nhiễm độc cấp nghi do thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần.

Vào tháng 5 vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân H. (17 tuổi, Bắc Giang) trong tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan.

5 ngày trước khi nhập viện, H. bị nổi mụn nước ở lưng, ngực không rõ nguyên nhân, kèm sốt. Người nhà đã mua thuốc Nam về sắc cho H. uống nhưng không đỡ. Lúc này, bệnh nhân lại xuất hiện tình trạng sốt cao 40 - 41 độ C, đau vùng thắt lưng, bụng chướng căng, bí trung đại tiện, không đi lại được, xuất hiện nhiều mụn mủ trên da. Gia đình vội chuyển bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng được cho dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng. Như trường hợp bệnh nhi 3 tuổi (quê Thanh Hóa) được đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng bị ngộ độc chì nặng, nguy kịch. Nguyên nhân là do cha mẹ đã cho bẻ dùng thuốc Nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

dong-y-1725616744.jpg
Bệnh nhi được điều trị tại bệnh viện

Thuốc Đông y không rõ nguồn gốc thành vấn nạn

Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng người dân tự ý sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ dẫn tới ngộ độc vẫn liên tiếp xảy ra. Nhiều thuốc Đông y có chứa chất cấm, người dân không biết, vẫn mua về sử dụng.

Như các trường hợp bệnh trên, bác sĩ Vũ Thị Hương Giang - khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, cùng một bệnh lý về gan nhưng có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào thành phần thuốc và phản ứng của cơ thể.

Gan có nhiều chức năng khác nhau, vì vậy sự tổn thương ở mỗi bệnh nhân cũng diễn biến khác nhau. Ví dụ, suy chức năng tạo mật sẽ gây vàng da, vàng mắt, suy chức năng đông máu gây dễ chảy máu và máu khó đông, hoặc tổn thương tế bào gan làm tăng men gan.

Bác sĩ Giang nhấn mạnh, bệnh nhân tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, quảng cáo tràn lan trên mạng. Nếu muốn điều trị bằng Đông y, bệnh nhân cần phải đến các cơ sở uy tín để được tư vấn và điều trị.

Thực tế còn ghi nhận, không ít bệnh nhân đái tháo đường sử dụng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc điều trị. Đến khi tình trạng bệnh nguy kịch, phải đi cấp cứu thì mới phát hiện trong thuốc có thành phần phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã cấm sử dụng từ những năm 1970.

Để trục lợi, nhiều kẻ đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dởm, sau đó mạo danh các thuốc y học cổ truyền để bán ra thị trường, gây ra ngộ độc.

Bác sĩ Trần Văn Bắc - Phó khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, người dân cần cảnh giác trước những lời quảng cáo, chào mời bán các sản phẩm thuốc y học cổ truyền, thuốc Đông y không rõ nguồn gốc (không có thông tin đầy đủ, rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế). Tuyệt đối không được uống thuốc hoặc các chế phẩm không rõ nguồn gốc.