Các "chiêu trò" trốn thuế này càng tinh vi: Phải kiểm soát tốt từ khâu thành lập doanh nghiệp

Mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hợp thức hóa hàng trôi nổi, lập khống chi phí...là các “chiêu trò” trốn thuế được Bộ Tài chính chỉ rõ.

Phát hiện nhiều vụ mua bán hoá đơn khống

Bộ Tài chính cho biết, các quy định của pháp luật hiện nay đang hướng đến sự bình đẳng, tôn trọng quyền kinh doanh chính đáng của mọi cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, một bộ phận người nộp thuế lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục thành lập doanh nghiệp, đã mờ những công ty không sản xuất kinh doanh để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống, thu lợi bất chính.

Cùng với đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị kinh doanh sản xuất chưa cao, đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào nhằm giảm nghĩa vụ thuế, tăng số thuế được hoàn; sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa hàng trôi nổi, buôn lậu; lập khống các chi phí phát sinh để nhằm thu nhập chịu thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Một số đơn vị kinh doanh sản xuất đã tham gia hoạt động mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế VAT đầu vào nhằm giảm nghĩa vụ thuế

Cũng theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều vụ việc mua bán hóa đơn đã được triệt phá. Đồng thời công khai thông tin cá nhân, doanh nghiệp có hành vi mua bán hóa đơn để nêu gương góp phần “cảnh tỉnh” những người đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn.

Gần đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án vi phạm quy định về kế toán, mua bán hóa đơn trái phép xảy ra tại 3 công ty Thành An Hà Nội, Thiết bị y tế Danh và Thiết bị y tế Tràng Thi.

Trong đó, có 6 người bị cáo buộc phạm tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 32 người bị đề nghị truy tố về tội "in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Cụ thể, cả ba công ty này đều do ông Nguyễn Đăng Thuyết – Tổng giám đốc Thành An Hà Nội thành lập để phân phối vật tư và thiết bị y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc. Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2022, Thuyết đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kể toán tài chính (1 sổ theo dõi thu chi thực lưu hành nội bộ, 1 sổ nộp cơ quan thuế).

Kết quả điều tra cho biết, các bị can đã mua hơn 19.000 hóa đơn khống mặt hàng danh mục vật tư y tế của 110 công ty, hộ kinh doanh với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là 3.689 tỉ đồng, thuế VAT là hơn 75 tỉ đồng; chi phí mua hóa đơn là 257 tỉ đồng.

Bản thân người dân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, tuyệt đối không cho người khác mượn danh, không nhận lời làm người chịu trách nhiệm của bất kỳ công ty nào mà không nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh

Việc hạch toán đối với 19.000 hóa đơn khống được các bị can giữ vị trí kế toán cập nhật vào hệ thống sổ kế toán thuế nhằm tăng chi phí, giảm thuế phải nộp; còn phần chi phí mua hóa đơn khống và các phần thực thu, chi được theo dõi trên phần mềm sổ kế toán nội bộ. Hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách 62 tỉ đồng.

Cần kiểm soát tốt việc thành lập doanh nghiệp

Hồi đầu tháng 8, Tổng cục thuế cũng có công văn yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, trong đó, công bố danh sách 113 doanh nghiệp bán trái phép hóa đơn, liên quan đến kết quả xét xử sơ thẩm vụ mua bán trái phép hóa đơn xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, trong thời gian từ tháng 12/2020 – 10/2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian sử dụng 637 công ty để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn VAT cho 88.053 đơn vị, tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng.

Cũng trong thời gian này, Công an TP Lạng Sơn khởi tổ vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn VAT với tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ tháng 7/2023 – 7/2024, các đối tượng đã dùng thủ đoạn thành lập 40 doanh nghiệp “ma” để mua bán trái phiếu hóa đơn.

Trong đó, có 10 công ty không có hóa đơn VAT mua vào nhưng xuất hóa đơn bán ra khống với tổng giá trị hơn 11.000 tỷ đồng. Điều tra xác định các công ty trên đều không có biển hiệu, không hoạt động tại trụ sở đã đăng ký kinh doanh.

Việc áp dụng hóa đơn điện tử đã giúp các cơ quan thuế lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra cùng các thông tin khác của người nộp thuế

Về giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, luật sư Thu Hà (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội mua bán hóa đơn khá tinh vi, do vậy, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế.

Trong thời gian qua, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã giúp các cơ quan thuế lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử mua vào, bán ra cùng các thông tin khác của người nộp thuế để xây dựng công cụ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ phân loại, nhân diện người nộp thuế có rủi ro về hóa đơn, kịp thời đưa ra cảnh báo để có biện pháp quản lý phù hợp.

Ngoài ra, bản thân người dân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, tuyệt đối không cho người khác mượn danh, không nhận lời làm người chịu trách nhiệm của bất kỳ công ty nào mà không nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh.