Hàng loạt các dự án sản xuất bán dẫn ở bang Arizona, New York, Ohio, Texas sẽ nhận được trợ cấp từ Bộ Thương mại Mỹ. Ngày 19/2, GlobalFoundries đã nhận được 1,5 tỷ USD từ Chính phủ để mở rộng nhà máy tại New York và Vermont. Đây cũng là công ty đầu tiên nhận được nguồn vốn hỗ trợ. Các hãng lớn khác như TSMC, Micron, Samsung cũng đều nộp đơn xin hỗ trợ hàng tỷ USD.
Khoản trợ cấp trên được phân bổ cho ba dự án là cơ sở chế tạo mới tại New York, mở rộng cơ sở hiện tại ở New York và nâng cấp cơ sở ở Vermont nhằm hỗ trợ sản xuất chip bằng vật liệu thế hệ tiếp theo. Khoản tiền này đã bao gồm 10 triệu USD tài trợ cho lực lượng lao động để khắc phục tình trạng thiếu nhân công trong ngành bán dẫn. Đây cũng được coi là vấn đề đã cản trở các nhà sản xuất chip đầu tư vào năng lực sản xuất mới của Mỹ.
Rót hàng tỷ USD vào GlobalFoundries giúp tăng công suất trong bối cảnh các ngành quan trọng như viễn thông, xe điện bị thiếu chip trầm trọng. Ngoài khoản đầu tư không hoàn lại là 1,5 tỷ USD, Mỹ còn cho GlobalFoundries vay 1,6 tỷ USD. Dự án mở rộng nhà máy sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực sản xuất.
Để nhận được khoản tài trợ, GlobalFoundries phải vượt qua nhiều bước xét duyệt của Chính phủ trong thời gian khá dài. Đồng thời, tiến độ giải ngân sẽ được thực hiện theo tiến độ xây dựng nhà máy.
Việc hỗ trợ cho GlobalFoundries cũng thể hiện sự lo ngại về khả năng thống trị thị trường chip truyền thống của các công ty của Trung Quốc. Theo thông tin từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Washington (Mỹ), Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thị phần công suất sản xuất chip lắp đặt từ 11%( năm 2019) lên 19% ( năm 2030).
Chính vì vậy, Mỹ không chỉ đẩy mạnh chế tạo chip trong nước mà còn có động thái mới khi gia tăng các biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành bán dẫn thông qua việc áp đặt kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Đầu năm 2024, Mỹ yêu cầu các công ty kinh doanh dịch vụ đám mây trong nước phải báo cáo cho cơ quan chức năng khi phát hiện thực thể ngoài nước Mỹ dùng đám mây để đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Tờ SCMP đánh giá đây là dấu hiệu cho cuộc chiến công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh đã bước vào trận địa mới. Một số nhà phân tích cho rằng các hãng sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng công suất sản xuất khi phải đối mặt với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.
Theo nhiều chuyên gia, chip đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, tương tự như dầu mỏ. Mỹ kì vọng hồi phục ngành công nghiệp bán dẫn khi thị phần sản xuất chip trên toàn cầu giảm còn 12% (năm 2020), thấp hơn nhiều so với mức 37% (năm 1990).