Theo các nguồn tin đáng tin cậy của South China Morning Post, Microsoft đang cung cấp cho các nhân viên làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc các tùy chọn địa điểm làm việc mới ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Ireland.
Các nhân viên, bao gồm cả những người thuộc nhóm điện toán đám mây Azure đã được thông báo vào đầu tuần này, yêu cầu phải đưa ra quyết định trước ngày 7/6. Tuy nhiên, họ vẫn có thể ở lại với nhóm ở Trung Quốc nếu quyết định không chuyển địa điểm làm việc mới. Tuy nhiên, theo một nguồn tin khác, Microsoft đã ngừng tuyển dụng ở Trung Quốc nên sẽ không có cơ hội việc làm mới.
Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở chính tại Redmond, Washington (Mỹ) đã mở văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô. Công ty đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Theo The Wall Street Journal thì lời đề nghị chuyển địa điểm làm việc ra nước ngoài của Microsoft đang hướng tới 700 đến 800 người, chủ yếu là những người làm việc trong lĩnh vực học máy.
Microsoft nói với tờ China Daily rằng chương trình kể trên sẽ chỉ ảnh hưởng đến “một số ít nhân viên ở Trung Quốc”, những người sẽ “có cơ hội lựa chọn luân chuyển quốc tế”. Những người ở lại Trung Quốc “có thể tiếp tục giữ chức vụ hiện tại”.
Theo báo cáo của Financial Times, quyết định này diễn ra sau động thái vào năm ngoái nhằm chuyển một số nhà nghiên cứu AI hàng đầu của họ từ Trung Quốc đến một phòng thí nghiệm nghiên cứu mới ở Vancouver, Canada. Khi đó, Microsoft cho biết phòng thí nghiệm mới ở Vancouver sẽ có nhân viên là các nhà nghiên cứu từ các văn phòng trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.
Việc chuyển địa điểm diễn ra khi Microsoft đang đặt cược lớn vào AI. Công ty là nhà hậu thuẫn lớn nhất cho OpenAI và ChatGPT. Microsot cũng sử dụng công nghệ của OpenAI trong công cụ Copilot, tích hợp vào một loạt sản phẩm từ ứng dụng văn phòng đến tiện ích mã hóa.
Những tiến bộ vượt bậc của các công ty AI toàn cầu vô hình chung đang ảnh hưởng trực tiếp, trở thành điểm nóng trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung.
Tổ chức tư vấn Ambound có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, việc tái bố trí nhân sự AI cho thấy “tác động của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang được truyền từ cấp quốc gia đến cấp doanh nghiệp”.
Tại cuộc họp song phương ở Geneva hôm thứ Ba, các quan chức Mỹ nêu lên những quan ngại về việc lạm dụng AI. Trong khi đó, Trung Quốc lại nêu rõ “lập trường nghiêm túc” về việc Mỹ hạn chế và đàn áp nước này trong lĩnh vực AI.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc những hạn chế mới đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc các mô hình AI nguồn đóng hoặc độc quyền, bao gồm cả các mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ các chatbot phổ biến như ChatGPT.
Microsoft hiện là công ty lớn duy nhất trong ngành tiếp tục tìm kiếm hoạt động kinh doanh cho các dịch vụ AI của mình ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.
Hiện, Trung Quốc vẫn đang ưu tiên phát triển các nền tảng AI trong nước và vẫn đóng cửa đối với các dịch vụ AI của nước ngoài. Các công ty của Mỹ bao gồm OpenAI và Google mới đây cũng đã chặn các địa chỉ IP ở Hồng Kong, ngăn việc truy cập, sử dụng các sản phẩm AI của mình để đào tạo mô hình mới cho Trung Quốc.
Nếu Mỹ hạn chế sử dụng phần mềm AI, điều này sẽ khiến các công ty Trung Quốc ngày càng khó tiếp cận các công cụ bán dẫn và sản xuất chip tiên tiến. Gần đây, Mỹ cũng áp đặt thuế quan bổ sung đối với xe điện và chất bán dẫn của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy dự luật hạn chế quan hệ thương mại với các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc và các công ty con của họ.