Hết thời đẩy giá
Tại nhiều trung tâm thương mại và đại lý bán hàng tiêu dùng trên cả nước, các chương trình khuyến mại cuối năm hiện chỉ áp dụng mức giảm giá từ 30 - 40%, thay vì tình trạng giảm sâu 70-80% như các năm trước. Thậm chí, một số cửa hàng chỉ lựa chọn hình thức tặng kèm sản phẩm thay vì giảm giá trực tiếp.
Nguyên nhân là trong tháng 12 này, quy định mới về khuyến mại theo Nghị định số 128 chính thức có hiệu lực nhằm thúc đẩy cạnh tranh công bằng và phát triển lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng.
Luật sư Cấn Hà Sơn - Giám đốc Công ty Luật Asia nhận định, Nghị định 128/2024/NĐ-CP không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu dùng và ổn định thị trường mà còn hướng đến việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi, xây dựng chiến lược phù hợp với bối cảnh mới, thay vì sử dụng các chiêu trò gây nhiễu loạn thị trường.
Chỉ sau nửa tháng áp dụng, nghị định đã bước đầu phát huy hiệu quả. Tình trạng "thổi giá" trước khi khuyến mại và hiện tượng loạn giá cuối năm tại các trung tâm thương mại và cửa hàng đang dần giảm thiểu rõ rệt.
Còn theo tiến sĩ Lê Hải Lý - nhà nghiên cứu về phát triển thị trường thương mại điện tử và chuỗi cung ứng, Nghị định 128 đã trực tiếp ảnh hưởng đến cách các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chiến lược khuyến mại, đặc biệt là từng lợi dụng chính sách để thao túng giá cả.
Trước đây, một số doanh nghiệp thường nâng giá sản phẩm cao hơn giá trị thực để tạo ấn tượng về mức giảm giá sâu, khiến người tiêu dùng cảm thấy đang nhận được ưu đãi lớn. Tuy nhiên, quy định mới, đặc biệt việc bỏ giới hạn giảm giá trong một số trường hợp cụ thể, đã làm giảm hiệu quả của hành vi này. Điều này khiến các doanh nghiệp khó duy trì mức giá ảo, trong khi các đối thủ cạnh tranh có thể áp dụng mức giảm giá thực chất hơn, linh hoạt hơn.
Ngoài ra, yêu cầu lưu trữ và báo cáo chi tiết về các chương trình khuyến mại giúp giảm thiểu tình trạng quảng cáo sai sự thật hoặc lạm dụng khuyến mại để trục lợi. Các cơ quan quản lý có thể dễ dàng kiểm tra và xử lý các trường hợp gian lận. Những doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, chỉ dựa vào "thổi giá" hoặc giảm giá sốc để thu hút khách hàng, sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ minh bạch và hiệu quả hơn.
Những thay đổi trong Nghị định 128 không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại một cách hiệu quả, lành mạnh và bền vững hơn.
Tạo sự công bằng cho các cửa hàng truyền thống
Chị Phùng Thị Hòa - quản lý hệ thống cửa hàng thời trang Queenky cho biết, mức giảm giá dịp Tết của hệ thống cao nhất là 40%, còn lại phổ biến ở mức 20%, nhằm tuân thủ quy định mới không cho phép giảm giá vượt quá 50% giá niêm yết.
Có những sản phẩm, cửa hàng phải chọn ra để khuyến mại nhằm thu hút khách hàng, dù lợi nhuận gần như không còn. Chị rất ủng hộ quy định này vì nó giúp cân bằng lợi thế giữa các mô hình kinh doanh, cũng giúp tạo sự công bằng cho các cửa hàng truyền thống.
Chị Dương Thị Thương - chủ cửa hàng Ngọc Bích (Hà Nội) cũng đồng tình với sự cần thiết của quy định này. Theo chị, giá trên sàn thương mại điện tử thường bị nâng khống trước khi giảm giá, gây bất lợi cho người tiêu dùng và các nhà bán lẻ truyền thống. Chị mong pháp luật kiểm soát chặt chẽ hơn việc giảm giá ảo, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa kinh doanh truyền thống và trực tuyến.
Đồng tình với quan điểm trên, anh Lường Tài Long - một người tiêu dùng tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, giá niêm yết cần minh bạch hơn, khuyến mại cũng nên thực chất để người mua cảm thấy yên tâm.
Dù quy định mới hạn chế giảm giá, vẫn có sự linh hoạt đối với các chương trình khuyến mại tập trung hoặc hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định, với mức giảm giá có thể lên tới 100%. Điều này mở ra cơ hội tổ chức các chương trình khuyến mại quy mô lớn, đồng thời duy trì tính cạnh tranh lành mạnh trong thị trường.
Bên cạnh đó, Nghị định 128 cũng linh hoạt hơn khi bỏ quy định giới hạn thời gian khuyến mại, cho phép các chương trình khuyến mại tập trung được tổ chức linh hoạt hơn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Đồng thời giảm bớt yêu cầu thông báo với cơ quan Nhà nước đối với một số hình thức khuyến mại phổ biến như: cung cấp hàng mẫu miễn phí, tổ chức chương trình giảm giá, phát hành phiếu mua hàng hoặc dịch vụ, và triển khai các chương trình dành cho khách hàng thường xuyên.
Những thay đổi này đã giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng thủ tục hành chính, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và thúc đẩy tiêu dùng trên thị trường.
Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, cơ quan quản lý có thể giám sát các chương trình khuyến mại này, đảm bảo rằng sản phẩm thực sự xứng đáng được hưởng mức giảm giá. Điều này giúp tránh tình trạng doanh nghiệp không đăng ký, tự ý đẩy giá lên cao rồi chiết khấu sâu để đánh vào tâm lý khách hàng.