Xe máy trên 5 "tuổi" phải kiểm định khí thải: Người dân lo lắng phát sinh chi phí và phiền nhiễu

Bà Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, việc kiểm định khí thải là cần thiết để bảo vệ môi trường, nhưng khi áp dụng có thể sẽ phát sinh những chi phí ngoài ý muốn, thậm chí là sự nhũng nhiễu...như khi đi đăng kiểm ô tô. Điều này khiến bà cảm thấy lo lắng.

Trên 5 năm phải kiểm định khí thải

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 47/2024, quy định về trình tự và thủ tục kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Thông tư 47/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 60 tháng kể từ ngày xuất xưởng. Nếu không có thông tin về ngày xuất xưởng trong cơ sở dữ liệu, chu kỳ kiểm định sẽ được tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất. Với mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất từ 5 - 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng. Còn các xe sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định sẽ là 12 tháng.

kiem-dinh-xe-may-1734336735.jpg
Theo thông tư mới, xe máy trên 5 năm sẽ phải kiểm định khí thải

Thông tư 47 cũng quy định, đối với mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất dưới 5 năm, chủ xe không cần phải nộp hồ sơ kiểm định khí thải và không phải mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm tra khí thải.

Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp qua phần mềm quản lý kiểm định, dựa trên kết quả chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của mô tô, xe gắn máy trong quá trình sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Thông tin này được lấy từ cơ sở dữ liệu lưu trữ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và kết hợp với dữ liệu về đăng ký, quản lý xe cơ giới của Bộ Công an.

Khi mang xe đến cơ sở đăng kiểm để kiểm định khí thải, chủ xe phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; hoặc bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe, để cơ sở đăng kiểm tiếp nhận hồ sơ kiểm định.

Cơ sở đăng kiểm sẽ tra cứu thông tin của mô tô, xe gắn máy trên phần mềm quản lý kiểm định và đối chiếu với chứng nhận đăng ký xe. Nếu thông tin không trùng khớp, việc kiểm định sẽ bị từ chối. Trong trường hợp không bị từ chối, cơ sở đăng kiểm sẽ lập phiếu kiểm soát kiểm định và thực hiện kiểm định khí thải cho phương tiện.

Nếu xe đạt kiểm định khí thải, mô tô, xe gắn máy sẽ được cấp chứng nhận kiểm định khí thải dưới dạng bản điện tử, được tích hợp với tài khoản định danh điện tử của chủ xe.

Đồng tình nhưng vẫn lo ngại

Hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu được người dân sử dụng để đi lại và mưu sinh. Tình trạng xe máy cũ kỹ, xuống cấp lưu thông khắp các tuyến phố đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

kiem-dinh-xe-may-1-1734336735.jpg
Tình trạng xe máy cũ kỹ, xuống cấp lưu thông khắp các tuyến phố vẫn rất phổ biến

Nhiều xe máy có thời gian sản xuất lên đến 10 - 20 năm vẫn được người dân tận dụng để chở hàng cồng kềnh như nước, bình gas, vật liệu xây dựng… Những chiếc xe này đều có điểm chung là rất cũ, thiếu các bộ phận cần thiết như yếm, đèn xe, xi-nhan hay còi. Thậm chí, có xe còn thiếu ống xả nguyên bản khiến khói thải phát ra gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc kiểm định khí thải xe máy được đông đảo người dân ủng hộ. Tuy nhiên, trong sự ủng hộ đó có cả những lo lắng. Ông Vũ Văn Triều (Xuân Đỉnh, Hà Nội) chia sẻ, ông nghe thông tin là xe máy phải đăng kiểm từ khá lâu rồi. Tuy nhiên, bản thân cũng không biết khi nào thì chính thức áp dụng và xe máy sẽ đăng kiểm thế nào, cần những hồ sơ, giấy tờ gì. Nếu phải làm thêm thủ tục và tốn chi phí, ông lo ngại sẽ phát sinh nhiều phiền toái, nhất là với những xe cũ như của ông.

Còn bà Nguyễn Thị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, việc kiểm định khí thải là cần thiết để bảo vệ môi trường, nhưng khi áp dụng có thể sẽ phát sinh những chi phí ngoài ý muốn, thậm chí là sự nhũng nhiễu...như khi đi đăng kiểm ô tô. Điều này khiến bà cảm thấy lo lắng về việc liệu quá trình này có được thực hiện công bằng và minh bạch hay không?

Trong khi đó, anh Tài - chủ một đại lý xe máy cũ cho biết, từ năm ngoái, quy định về định danh biển số đã khiến việc kinh doanh xe máy cũ của anh gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, khi xe máy phải kiểm định khí thải, không biết việc kinh doanh sẽ đi về đâu?.

Anh Tài lo ngại, việc kiểm định khí thải sẽ khiến khách hàng phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn xe máy đã qua sử dụng. Những người buôn bán xe cũ như anh sẽ phải chú trọng lựa chọn những mẫu xe có tuổi thọ dài và chất lượng tốt để bán ra thị trường. Bởi với những chiếc xe máy cũ từ 10 - 20 năm đã được tân trang lại mà anh đang bán, anh không rõ quy trình đăng kiểm sẽ như thế nào và liệu có quy định về chu kỳ đăng kiểm ngắn với những xe máy đã sản xuất lâu không.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, để kiểm soát được khí thải xe máy hiệu quả mà ít ảnh hưởng, không làm xáo trộn đời sống người dân, cần nghiên cứu các giải pháp một cách bài bản, căn cơ. Cùng với đó, cần có cơ chế để hỗ trợ, ưu đãi cho việc thực hiện và mức giá quy định có thể vừa phải để mọi người dân đều có thể chấp nhận được.

Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất mức phí kiểm định là 35.000 đồng/xe/năm. Với mức chi phí này không phải vấn đề quá lớn với người dân. Hơn thế nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Mặt lợi hơn nữa là sẽ giảm phát thải, ô nhiễm môi trường.

Hà Nội sẽ hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe điện

Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến tháng 4/2024, tổng số phương tiện giao thông đường bộ trong thành phố đạt hơn 8 triệu, trong đó có khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu mô tô. Đặc biệt, xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm đến 72,58%, góp phần làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các phương tiện cũ không được bảo dưỡng đúng cách theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về vùng phát thải thấp tại TP. Hà Nội sẽ tạo ra một môi trường sống trong lành, cải thiện chất lượng không khí, thu hút du khách và nhà đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân.

PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho biết, trong quá trình triển khai vùng phát thải thấp, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện là bước đệm quan trọng. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phân loại đối tượng cụ thể để đưa ra chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Bên cạnh việc hỗ trợ người dân, thành phố cũng cần tăng cường các tuyến xe buýt và trạm xe đạp công cộng tại các khu vực phát thải thấp. Do đặc thù nhiều ngõ nhỏ ở Hà Nội, cần bổ sung các loại xe buýt nhỏ và xe điện để có thể phục vụ tốt các khu vực này.