Chợ cộng đồng - mô hình mới sẽ phát triển trong thời gian tới

Mô hình chợ cộng đồng hoạt động theo hình thức là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hàng hóa thông dụng thiết yếu được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 60 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Tại hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 8.320 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.

Nhằm khắc phục những bất cập liên quan đến đầu tư, cải tạo chợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ. Đáng chú ý, Nghị định có nêu bên cạnh các chợ hoạt động theo mô hình truyền thống như chợ đầu mối, chợ nông thôn, chợ dân sinh, chợ tạm thì sẽ có hình thức chợ mới như: Điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng.

Bên cạnh các mô hình chợ truyền thống, sẽ có hình thức chợ mới như điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng

Cụ thể, mô hình chợ cộng đồng hoạt động theo hình thức là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh hàng hóa thông dụng thiết yếu được cấp có thẩm quyền cho phép, phục vụ cộng đồng dân cư sở tại.

Thực tế ghi nhận, mô hình chợ cộng đồng này đã manh nha xuất hiện tại nhiều chung cư và khu dân cư. Chị Vũ Thị Hồng Huệ đang sinh sống tại một chung cư ở khu vực Long Biên (Hà Nội). Khoảng 2 năm nay, chị đã không còn mua rau ở chợ truyền thống. Chị Huệ cho biết, chị mua rau từ một người sống gần chung cư. Bà là dân thổ cư tại đây nên vẫn có khoảng vườn trồng rau. Không riêng nhà chị mà bà còn cung cấp rau cho nhiều gia đình khác tại chung cư.

Chị Huệ chia sẻ, rau trồng theo “mùa nào thức ấy” nên khá ít lựa chọn nhưng đảm bảo an toàn nên chị vẫn mua. Theo chị Huệ, chung cư của chị còn có nhóm chợ riêng được lập trên Zalo, ai bán gì, mua gì trên đó cũng rất thuận tiện. Không ít lần, bận rộn không kịp làm đồ ăn sáng cho con, chị đã lên chợ đặt. Chỉ giao hàng từ tòa này sang tòa kia, nên dù chị báo gấp thì vẫn rất nhanh đã được giao hàng.

Dù manh nha xuất hiện, nhưng hình thức này vẫn cần được các cơ quan có thẩm quyền quản lý. Vì như chị Huệ có tin tưởng, thực phẩm đảm bảo an toàn thì vẫn có xác xuất không may xảy đến thì vẫn cần có cơ quan chức năng theo dõi, xử lý.

Ngoài các mô hình chợ mới, Nghị định số 60 cũng đề cập tới chợ đêm. Theo đó, mô hình chợ đêm được tổ chức tại khu vực, địa điểm được dành cho phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Các chợ sẽ được phân loại thành 3 loại hình: Hạng 1, hạng 2 và hạng 3, tùy theo diện tích và quy mô cũng như việc đầu tư xây dựng kiên cố hay bán kiên cố. Các chợ cũng được phân loại theo vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước hoặc do các nhà đầu tư triển khai.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước

Bà Lê Việt Nga cho hay, nghị định mới có nhiều điểm mới về quản lý phát triển, đầu tư xây dựng chợ, cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ đầu mối, chợ dân sinh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đó, nghị định đã bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đưa ra các quy định về công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại, lập phương án hỗ trợ di chuyển, duy trì chợ tạm... Nghị định cũng làm rõ chợ được quản lý bởi hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ với tài sản do Nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây.