Chuyên gia "mách nước" cách giúp con vượt qua rối loạn tâm thần sau thi cử

Với những em có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, cha mẹ hãy ở bên, động viên con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi. Đừng bao giờ làm con xấu hổ vì nó. Hãy vẽ ra một tương lai tươi sáng và nhắc nhở con rằng điều kiện tiên quyết là con cần phải sống.

“Gánh nặng” thi cử

Mới đây, Công an TP. Hà Nội cho biết, khoảng 10h15 ngày 2/7, sau khi nhận được tin có người nhảy cầu Long Biên, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trên sông đã ngay lập tức đến hiện trường.

Lúc này, người nhảy sông đang chấp chới trôi trên dòng nước, đoạn gần cầu Vĩnh Tuy. Lực lượng cứu hộ đã dùng ca nô kịp thời tới giải cứu, đưa người lên bờ, rồi chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Người nhảy cầu là học sinh trú ở Đội Cấn, vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024. Nhiều người cho rằng, do áp lực thi cử đè nặng đã dẫn đến hành động của em học sinh trên.

Áp lực thi cử khiến nhiều học sinh phải điều trị rối loạn cảm xúc

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung - Trưởng khoa Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện E) cho biết, khoa Sức khoẻ tâm thần của bệnh viện mới đây cũng tiếp nhận trường hợp nam sinh thi vào lớp 10 không dám về nhà sau khi biết điểm số không như kỳ vọng. Thậm chí, nam sinh còn nghĩ quẩn tự sát khi dùng dao cắt vào tay, cổ. May mắn, nam sinh được mọi người phát hiện, đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị rối loạn cảm xúc tại khoa.

Một trường hợp khác là nam sinh lớp 12. Ngay từ khi thi xong, nam sinh này đã biết mình làm bài không tốt nên đã có ý định tự sát. Nam sinh mua sẵn thuốc, chờ có kết quả sẽ thực hiện. Rất may, được gia đình phát hiện sớm và đưa đi khám. Sau khi được điều trị, tinh thần nam sinh đã ổn định trở lại.

Cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn ở con

Trên mạng xã hội những ngày qua cũng xôn xao trước tâm tự của một nam sinh lớp 9. Em cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, em đã đặt nguyện vọng 1 vào trường Yên Hòa. Tuy nhiên, em thiếu 0,25 điểm để vào trường (Yên Hoà lấy 42,50). Từ khi biết điểm, không khí gia đình chùng xuống. Trong khi thầy cô và bạn bè động viên, mong em học tốt ở nguyện vọng 2 thì ở nhà, bố mẹ "chẳng nhìn con lấy một lần".

Tâm thư của nam sinh sau kỳ thi vào lớp 10

Nam sinh viết: "Bố mẹ cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành. Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.

Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng, con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ".

Chia sẻ này khiến nhiều người xót xa. Không ít ý kiến gửi gắm tới những bậc cha mẹ, không nên tạo áp lực quá mức cho con cái. Có lẽ quá hy vọng nên khi con không đạt được kết quả như mong đợi, cha mẹ của nam sinh này đã có những phản ứng tiêu cực.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kinh nghiệm nhiều năm can thiệp tâm lý cho thấy, sau mùa thi, tỉ lệ nhập viện chăm sóc sức khoẻ tâm thần và lo âu trầm cảm, ý nghĩ tự sát của các em học sinh tăng.

Nguyên nhân có thể đến từ việc cha mẹ đã đặt kỳ vọng lớn lên con. Khi các con nhận được kết quả không tốt, cha mẹ hay người thân đã có thái độ hoặc lời nói vô tình tạo thêm áp lực cho con em mình.

Hay cũng có thể con đã có những dấu hiệu, hành vi thể hiện suy nghĩ tiêu cực nhưng cha mẹ không đủ nhạy cảm để nhận ra trong thời gian này. Điều đó khiến những đứa trẻ cảm thấy mình như đã ở bước đường cùng. Lúc này, các em có hành vi thu mình, không chia sẻ với ai sau thất bại, chìm ngập trong những suy nghĩ tiêu cực và hoảng sợ.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc không có người đồng hành, giúp đỡ vượt qua khiến các em bị "mắc kẹt" trong những cảm xúc tiêu cực. Khi cảm thấy mình vô giá trị thì sẽ tìm cách kết thúc nó, coi thất bại là dấu chấm hết của cuộc đời.

Với những em có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, cha mẹ hãy ở bên, động viên con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi. Đừng bao giờ làm con xấu hổ vì nó. Hãy vẽ ra một tương lai tươi sáng và nhắc nhở con rằng điều kiện tiên quyết là con cần phải sống.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng hướng dẫn, bố mẹ nên tìm cho con những tấm gương người nổi tiếng để con hướng tới. Bên cạnh đó, phụ huynh cần loại bỏ các loại vật dụng có thể gây hại đến cơ thể ở trong phòng hay không gian sống của con. Nếu con có dấu hiệu trầm cảm, cần can thiệp sớm trước khi quá muộn.