Cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có 1 người chết sớm

Thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận khi mức giá một bao vẫn rất rẻ. Điều này dẫn đến việc, trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua thuốc lá chỉ với tiền tiêu vặt.

Giá thuốc lá thấp

Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Tại một hội thảo liên quan đến thuốc lá mới đây, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hút thuốc của Việt Nam vẫn nằm ở mức đáng báo động là do giá thuốc lá ở nước ta quá thấp.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (Ảnh: Lê Quý/Dân trí)

Bác sĩ Lâm chia sẻ, để hạn chế người dân sử dụng thuốc lá, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và chính đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến năm 2021, tỷ lệ người hút thuốc lá cũng như các chỉ số khác có dấu hiệu tăng trở lại khi lượng tiêu thụ thuốc lá là trên 4 tỷ bao. Giai đoạn này, các can thiệp về thuốc lá đã tương đối bão hòa khi những cảnh báo không được thay thế, thuế cũng không tăng từ năm 2019 đến nay.

Giai đoạn 2022 - 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá tại nước ta đã tăng hơn 10%. Riêng năm 2023, đã có 5,3 tỷ bao thuốc lá được sản xuất trong nước.

Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, năm 2020 giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam chưa đến 1 USD/bao, chỉ bằng một nửa so với các quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng trong nhóm những quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bác sĩ Lâm nhấn mạnh, thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận khi mức giá tăng ít trong khi thu nhập bình quân đầu người ở nước ta lại tăng mạnh. Đáng quan ngại nhất là trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua được thuốc lá chỉ với tiền tiêu vặt.

Sản lượng và tiêu thụ thuốc lá điếu giai đoạn 2008 - 2023 tại Việt Nam

Giảm 10 năm tuổi thọ

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng văn phòng đại diện WHO Việt Nam cho biết, thuốc lá có hại rất lớn cho sức khỏe. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 40.000 - 70.000 ca tử vong sớm do hút thuốc lá. Đáng nói, những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.

Còn bà Đinh Thu Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta, trung bình 8/10 người chết là do các bệnh không lây nhiễm. Thuốc lá nằm vị trí thứ 2 trong số các yếu tố nguy cơ cao nhất gây bệnh không lây nhiễm.

Theo bà Đinh Thu Thủy, trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có một người chết sớm. Trong đó, một nửa số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (khoảng 39 - 65 tuổi).

Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có một người chết sớm

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm đánh giá, thuốc lá gây ra hàng loạt gánh nặng về cả sức khỏe và kinh tế. Theo ước tính mới nhất của Hội Y tế công cộng Việt Nam (năm 2023), tổn thất y tế do thuốc lá gây ra là 108.197 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là tổn thất tử vong sớm do hút thuốc lá, chiếm hơn 85.000 tỷ đồng.

Người hút thuốc lá mất trung bình 10 năm tuổi thọ. Điều này đồng nghĩa với việc mất đi 10 năm đóng góp sức lực và trí tuệ cho gia đình và xã hội. Hơn 45 triệu người Việt hiện có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm.

Nhiều chuyên gia nhận định, mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lá hiện nay bắt đầu phải đối mặt với các tác động sức khỏe do hút thuốc lá.

Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt quy định tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo tỷ lệ 75% giá xuất xưởng. Tuy nhiên mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất thuế tuyệt đối với thuốc lá và sẽ tăng theo lộ trình, lên mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030, đồng thời giữ nguyên thuế theo tỷ lệ (75% giá xuất xưởng).

WHO đánh giá, với phương án đánh thuế này sẽ giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống 37,5% vào năm 2030. Bên cạnh đó, WHO Việt Nam cũng đưa ra phương án khuyến nghị mạnh mẽ hơn. Đó là đến năm 2030 áp mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao. "Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá so với năm 2020", đại diện WHO Việt Nam thông tin.