Đà Nẵng: Người dân vùng "rốn lũ" gấp rút chuyển đồ lên cao để phòng, tránh ngập lụt

Mưa lớn từ sáng khiến một số khu dân cư trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - nơi được xem là "rốn lũ" của Đà Nẵng có dấu hiệu ngập úng. Nhiều hộ dân ở đây đã tạm gác công việc để ở nhà kê tài sản lên cao, phòng khi nước ngập sâu.

Mưa lớn gây ngập úng

Sáng 18/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, TP. Đà Nẵng đã xuất hiện mưa lớn kéo dài, gây ngập úng trên nhiều tuyến đường và khu vực. Như tại trung tâm thành phố, nhiều đoạn trên các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh, Núi Thành, Phan Thanh, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi, Quang Trung… ngập sâu. Nhiều phương tiện đi qua chỗ ngập bị chết máy khiến người dân lưu thông khó khăn.

Đưa người thân đi khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng trên đường Quang Trung, anh Lực Huỳnh (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) cho biết, mưa lớn kéo dài liên tục khiến việc di chuyển của anh và người thân từ nhà đến Bệnh viện Đà Nẵng khá vất vả. Khi tới trước cổng bệnh viện, nước còn ngập nửa bánh xe.

Người dân di chuyển vất vả do đường ngập (Ảnh: H.Đ/Thanh Niên)

Đặc biệt, một số khu dân cư trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - nơi được xem là "rốn lũ" của Đà Nẵng có dấu hiệu ngập úng. Trưa 18/9, nhiều hộ dân ở đây đã tạm gác công việc để ở nhà kê tài sản lên cao, phòng khi nước ngập sâu.

Anh Hạnh (trú tổ 37, đường Mẹ Suốt) cho hay, đã xin nghỉ làm để gom hết quần áo, đồ dùng rồi mang đến nhà người thân để gửi. Vợ và con anh sau khi tan học, tan làm cũng qua luôn nhà người thân để tránh mưa bão.

Đồ đạc được thu dọn để chuyển đến nơi an toàn phòng ngập lụt (Ảnh: Hồ Giáp/Vietnamnet)

Trong khi đó, anh Trung - cũng trú tổ 37 chia sẻ, mọi người ở đây có kinh nghiệm ngập lụt rồi, nên thấy có dấu hiệu là dù bận gì đều bỏ hết, phải ưu tiên kê cao đồ đạc trước.

Thực tế ghi nhận, khu vực đường Mẹ Suốt từng có nhiều lần ngập nặng, với mực nước dâng cao khoảng 1,5m. Trong đợt ngập vào tháng 10/2023, phường Hòa Khánh Nam đã phải sơ tán hơn 4.000 hộ dân ở nơi đây.

Người dân kê đồ lên cao để tránh ngập (Ảnh: Hồ Giáp/Vietnamnet)

Sẵn sàng sơ tán người dân đến nơi an toàn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 10h hôm nay (ngày 18/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Từ hôm nay đến đêm mai (ngày 19/9), khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, rải rác có giông với lượng mưa phổ biến 100mm - 300mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Trước nguy cơ áp thấp nhiệt tới nâng lên thành bão, sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển. Cần thông báo và hướng dẫn các tàu thuyền không vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn, đặc biệt tại các vùng biển Bắc Biển Đông - Hoàng Sa và vùng biển Huế - Đà Nẵng.

Mưa tại TP. Đà Nẵng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: H.Đ/Thanh Niên)

Các đơn vị được yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và UBND TP. Đà Nẵng, khẩn trương cắt tỉa, chằng chống cây xanh, cũng như hoàn thành công tác nạo vét, khơi thông cống rãnh trong phạm vi quản lý. Đồng thời, duy trì các hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, và sạt lở đất, sẵn sàng sơ tán nhân dân tại các khu vực nguy hiểm và ngập sâu theo phương án đã được phê duyệt.

Ban chỉ huy cũng yêu cầu tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, nước chảy xiết và có nguy cơ sạt lở, không cho người dân vào các khu vực này. Nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt thủy sản tại khu vực ven sông, suối, hồ đập và khu vực ngập lụt. Tăng cường thông tin và truyền thông về ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai. Các đơn vị cũng cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu tại các khu vực trú tránh và thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình thiên tai và công tác ứng phó.

Trước đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, chính quyền Đà Nẵng đã kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo thống kê đến chiều 17/9, thành phố có 1.091 tàu thuyền neo đậu tại các bến với 7.801 lao động. Hiện vẫn còn 68 tàu với 515 lao động đang hoạt động trên biển.