Hội nghị lần 2 về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế” diễn ra tại Hà Nội, những vấn đề về nắm bắt cơ hội, đẩy lùi hạn chế cho các doanh nghiệp Việt là chủ đề được đặc biệt quan tâm. Hội nghị không chỉ cung cấp thông tin về chính sách, quy định và chính sách thu hút đầu tư của các nước, thị trường tiềm năng và môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ Việt ở nước ngoài.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Văn Chung cho biết: Đến nay, lũy kế có khoảng 1.720 dự án đầu tư từ Việt Nam sang nước ngoài, tổng số vốn đăng ký là 22,12 tỷ USD sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất công nghiệp và các ngành có hàm lượng kỹ thuật hiện đại tăng. Ở lĩnh vực thông tin và truyền thông có 207 dự án, tổng số vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký. Các dự án viễn thông có quy mô lớn tập trung vào các nước châu Phi, còn các dự án có quy mô nhỏ lại tập trung vào Mỹ, Nhật Bản, Singapore.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng “make in Viet Nam” tăng từ 21% lên 29%, chỉ tính riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài đã tăng 43%. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoạt động ở nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2023.
Dự báo chỉ tiêu cho công nghệ thông tin của thế giới đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó, chỉ tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) trong năm 2024 và lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD) trong năm 2025.
Nhấn mạnh vai trò của việc hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta có các bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định, việc phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư ra nước ngoài là sứ mệnh rất vinh quang, nhưng cũng gắn với nhiều thách thức, rủi ro. Cùng với Bộ TT&TT, các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường mới, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
Ông Đặng Khánh Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao đánh giá thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội. Việc phát triển năng lực phục vụ thị trường nước ngoài là đích đến không có giới hạn. Bởi lẽ, doanh nghiệp công nghệ ở nước ta có nhiều thế mạnh về nguồn nhân lực năng động, sáng tạo và khả năng cạnh tranh cao về giá.
Ông Linh cũng cho rằng, các doanh nghiệp số Việt Nam cần nghiên cứu để hiểu sâu sắc về con người, văn hóa cũng như hệ thống chính trị của các nước đầu tư và từng bước tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, phải xác định được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, có tính khác biệt của mình ra nước ngoài trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Phó Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) – bà Eunjung Han nhận định rằng Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Châu Âu trong lĩnh vực fintech, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo….Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch chuỗi cung ứng thông qua triển khai công nghệ số nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và tăng sức cạnh tranh. Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng lao động có tay nghề cao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.
Trong thời gian gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành của Việt Nam đã tăng cường các hoạt động ngoại giao, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các Tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Airbus Defence, Huawei, Ericsson,... nhằm phát triển mạng lưới 5G, chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và mở đường cho các doanh nghiệp Việt bước ra bên ngoài thế giới.
Mới đây nhất, trong cuộc gặp tại Washington D.C ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã có những trao đổi quan trọng xung quanh việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn thời gian tới.
Hội nghị lần thứ 2 về hợp tác số toàn cầu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam như VNPT, FPT, Meey Group, VMO Holdings... Những thông tin được chia sẻ giúp các đơn vị nắm bắt kịp thời định hướng để nghiên cứu, khai thác và đưa ra quyết định phù hợp với điều kiện của mình, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ.
Đại diện VMO Holdings, công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và triển khai phần mềm cho biết: Với nguồn lực và thế mạnh hiện có, việc lựa chọn thị trường mục tiêu là điều quan trọng. VMO tập trung vào những nước có nền công nghệ thông tin phát triển với mức GDP cao, dân số già và có mức lương trung bình cao hơn nhiều so với Việt Nam. Đại diện VMO cho rằng đó sẽ là những thị trường dễ tiếp cận hơn trong tương lai.
Vài năm trở lại đây, proptech - ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản đã có bước tăng trưởng vượt trội và tạo ra những tác động tích cực, trở thành một xu thế tất yếu của thị trường bất động sản Việt Nam. Trong đó, Meey Group là doanh nghiệp được biết đến với vai trò tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Chia sẻ bên lề sự kiện, Chủ tịch HĐQT Hoàng Mai Chung cho biết: “Lần tham dự này, Meey Group mong muốn cập nhật thêm nhiều thông tin về các chính sách, định hướng của Nhà nước cũng như cơ hội để tiếp cận với thị trường quốc tế.
Với sứ mệnh tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, Meey Group không chỉ hoạt động theo cơ chế thị trường mà còn theo cơ chế vốn, tức sử dụng nguồn vốn đầu tư từ các quỹ và các định chế tài chính lớn trên thế giới nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn kinh doanh đa quốc gia, có giá trị vốn hóa lớn, niêm yết trên sàn chứng khoán SEHK và NASDAQ”.