Bất ngờ tăng vốn điều lệ lên cao gấp hơn 12 lần
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, cùng 5 đồng phạm về tội “Vi phạm về quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả điều tra ban đầu xác định chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
Theo tìm hiểu, Tập Đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập năm 2004. Đến tháng 8/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.Thông tin đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Phúc Sơn được thành lập vào ngày 4/8/2009, có địa chỉ trụ sở chính tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đây, Phúc Sơn chủ yếu là thi công xây dựng, đến 2014 lợi nhuận cũng chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng.Từ 2015, Phúc Sơn bất ngờ tăng vốn điều lệ lên cao gấp hơn 12 lần, từ 129,7 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng sau 2 đợt tăng vốn.Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 14/2/2017 của Phúc Sơn, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên 2.000 tỷ đồng.Có giai đoạn vốn điều lệ của Tập đoàn Phúc Sơn lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo bố cáo đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, tại thời điểm tháng 5/2022, Tập đoàn đã giảm vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.600 tỷ đồng.
Theo thông tin được báo chí đăng tải, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Phúc Sơn đi xuống qua các năm.Năm 2016 doanh thu ghi nhận là 514,6 tỷ đồng, lãi ròng 3,7 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu còn 468,3 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận tăng vọt lên 37,58 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu chỉ đạt 84,7 tỷ đồng, lãi ròng là 80 triệu đồng. Đặc biệt, kết quả kinh doanh năm 2020 của Tập đoàn Phúc Sơn giảm còn 61 tỷ đồng, lợi nhuận lần đầu ghi nhận lỗ 17 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng, song Tập đoàn Phúc Sơn vẫn gây chú ý với loạt dự án và quỹ đất lên đến hàng trăm ha ở Vĩnh Phúc, Nha Trang, Phú Thọ, Quảng Ngãi...Đáng chú ý là dự án Khu trung tâm đô thị thương mại Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang (Khu trung tâm đô thị Nha Trang) tại sân bay Nha Trang cũ với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Vì sao "thoát" danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn ở Vĩnh Phúc?
Trong cuộc họp báo đầu tháng 3 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan điều tra bước đầu xem xét 2 dự án ở Vĩnh Phúc và thấy rằng, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 640 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thông báo nợ thuế mới nhất vào tháng 2/2024 của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, công ty này không có tên trong danh sách nợ thuế lớn nhất.
Trong đó, Công ty TNHH Phát triển nhà Vĩnh Yên có số nợ thuế lớn nhất là hơn 48 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Công ty CP Đầu tư dệt may Vĩnh Phúc nợ thuế hơn 25 tỷ đồng; Công ty CP phát triển và kinh doanh nhà Vĩnh Phúc nợ hơn 17,4 tỷ đồng; Công ty CP Bá Hiến nợ hơn 17,08 tỷ đồng... Như vậy, rất có thể, việc bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính... là một trong những lý do giải thích cho việc công ty này không có nợ thuế ở Vĩnh Phúc.
Số nợ thuế của Tập đoàn Phúc Sơn được nhắc đến lên tới "chục nghìn tỷ" liên quan đến khoản 12.000 tỷ đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - Thương mại - Tài chính - Du lịch Nha Trang được xây dựng trên khu đất sân bay Nha Trang cũ.
Cụ thể, vào tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương nộp gần 12.000 tỷ đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị - Thương mại - Tài chính - Du lịch Nha Trang. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng, văn bản này chưa đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành do việc thực hiện nghĩa vụ tài chính phải dựa trên kết quả thẩm định giá đất, dựa trên nguyên tắc ngang giá các dự án BT và thông báo của cơ quan thuế.
Tập đoàn này cũng là nhà đầu tư được địa phương giao thực hiện các dự án những tuyến đường, nút giao kết nối sân bay Nha Trang cũ; Dự án đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và Dự án nút giao thông Ngọc Hội, theo hình thức hợp đồng BT. Nguồn vốn để thanh toán cho các dự án BT là các quỹ đất thuộc Khu trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Điều đáng nói, 3 dự án BT tại TP Nha Trang đến nay vẫn chưa hoàn thành, bàn giao, nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô, bán nền gần hết các khu đất "vàng" được giao hoàn vốn tại sân bay Nha Trang cũ và thu hàng nghìn tỷ đồng của nhiều người mua đất.