Ghi nhận thêm hàng chục hình thức lừa đảo mới tại Việt Nam

Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, thời gian qua, không gian mạng Việt Nam ghi nhận khoảng 24-26 hình thức lừa đảo mới, trong đó nổi bật là lừa đảo mạo danh, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay, lừa đảo đầu tư…

Theo đánh giá từ Cục An toàn thông tin, trong khoảng hơn 1 năm vừa qua, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin ghi nhận ở khoảng 24 - 26 hình thức lừa đảo mới trên không gian mạng. Các nhóm tội phạm thường sử dụng nhiều chiêu trò như lừa đảo mạo danh, lừa đảo việc làm, lừa đảo tài chính, lừa đảo cho vay, lừa đảo đầu tư và lừa đảo xổ số. “Tuy vậy, kịch bản, phương thức và kỹ thuật được kẻ xấu sử dụng để lừa đảo người dân lại liên tục thay đổi, ngày càng tinh vi, khó lường khiến cho nhiều người khó nhận biết”, Cục An toàn thông tin cho biết thêm.

Thời gian qua, thông qua hệ thống tiếp nhận cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn, Hàng tuần, cơ quan này đều nhận được vài trăm đến vài nghìn phản ánh của người dân về các trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này cho thấy lừa đảo trực tuyến vẫn đang gia tăng mạnh mẽ, gây ra không ít thiệt hại cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Vì vậy, Cục cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền để ngày càng nhiều người dân có các kỹ năng phòng ngừa, ứng phó trước những tình huống lừa đảo trên không gian mạng.

Nội dung cảnh báo về an toàn thông tin mới nhất tuần qua của Cục An toàn thông tin đề cập tới các chiêu thức như: Lừa đảo tuyển dụng nhân sự ngành hàng không, lừa đảo thu học phí tân sinh viên, nhờ shipper mua hộ hàng để chiếm đoạt tài sản, giả mạo cán bộ của Bộ GTVT để lừa đảo, giả danh Cục Đăng kiểm Việt Nam…

Sân bay Nội Bài ghi nhận nhiều trường hợp người dân gọi điện hỏi thăm về tuyển dụng không có thực.

Cụ thể, đầu tiên là chiêu thức lừa đảo tuyển dụng nhân sự của ngành hàng không. Theo nguồn tin từ phía sân bay Nội Bài, gần đây các nhân viên quầy thông tin của đơn vị nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi về nội dung tuyển dụng nhân sự cho sân bay và Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam. Quá trình tìm hiểu, đại diện sân bay cho biết, đang có tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã tạo fanpage, website giả mạo để mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức nhằm lừa chiếm đoạt tài sản người dùng với chiêu trò "lừa đảo tuyển dụng". Đây là những thông tin lừa đảo nên người dân cần đặc biệt cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu này.

Theo Cục An toàn thông tin, khi có nhu cầu đăng tuyển vào các đơn vị, doanh nghiệp, người dân cần liên hệ trực tiếp, thông qua các kênh chính thống, bao gồm truy cập website chính thức và liên hệ trực tiếp với phòng nhân sự của doanh nghiệp để xác nhận tính hợp lệ của thông tin tuyển dụng; không dựa vào thông tin từ email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc để đăng ký ứng tuyển; sử dụng các dịch vụ tra cứu doanh nghiệp hoặc cơ quan đăng ký doanh nghiệp để xác minh thông tin. Đặc biệt, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm cũng như không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng, tệp tin không rõ nguồn gốc.

Thứ hai, hình thức lừa đảo liên quan trực tiếp tới năm học mới, thu học phí tân sinh viên. Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng thời điểm các sinh viên vừa trúng tuyển đang làm thủ tục nhập học, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo là đầu mối của một số trường đại học tại TPHCM để lừa chuyển tiền học phí, lệ phí nhập học. Trước tình trạng này, nhiều trường đại học đã phát cảnh báo tân sinh viên về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản kể trên.

Vào thời điểm đầu năm học mới, các tân sinh viên cần lưu ý cảnh giác trước các hình thức lừa đảo đóng học phí.

Với thủ đoạn lừa đảo này, các đối tượng sẽ tạo ra các website giả mạo giống trang thông tin điện tử của trường đại học, sau đó giả danh là nhân viên của trường và gửi email, gọi điện yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán học phí. Chúng cũng có thể sử dụng email, tin nhắn giả mạo để tìm cách chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng của người dùng.

Vì vậy, Cục An toàn thông tin tiếp tục khuyến cáo các tân sinh viên nên thực hiện kiểm tra thông tin qua những kênh chính thức hoặc liên hệ trực tiếp với trường; nộp học phí qua các kênh thanh toán chính thức do trường đại học hoặc tổ chức tài chính cung cấp, đặc biệt không bấm vào liên kết trong các email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc và không cung cấp thông tin cá nhân cho các bên không xác định.

Thứ ba, hình thức lừa đảo mới là nhờ shipper mua hộ hàng để chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tiếp nhận thông tin về một vụ lừa đảo, trong đó nạn nhân là anh T.T.L  làm nhân viên giao hàng - shipper. Anh T.T.L  đã mua hộ thùng rượu trị giá 5 triệu đồng theo yêu cầu của một khách lạ, nhưng sau đó đã không liên lạc được với người này khi đến địa điểm giao hàng được chỉ dẫn.

Các shipper nên cảnh giác trước các thủ đoạn nhờ mua hộ hàng để chiếm đoạt tài sản.

Với hình thức lừa đảo này, đối tượng sẽ tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật. Kẻ lừa đảo cũng dẫn dụ shipper thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng, chúng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng cho shipper để dẫn dụ. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc. Số tiền mà shipper đã ứng trước sẽ bị chúng chiếm đoạt và biến mất.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân, đặc biệt là các shipper cần xác minh đơn hàng và địa chỉ giao hàng qua các kênh chính thức của hệ thống quản lý đơn hàng; không thực hiện giao hàng khi nghi ngờ về tính xác thực của đơn hàng; chỉ thanh toán tiền và nhận tiền từ các nguồn tin cậy và theo quy trình chính thức của công ty hoặc nền tảng giao hàng; không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không xác định hoặc qua các phương tiện không an toàn. Trường hợp nghi ngờ bị lừa, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cuối cùng, trong các hình thức lừa đảo đáng lưu ý tuần qua trên không gian mạng là giả mạo cán bộ Cục đăng kiểm Việt Nam để mời chào và yêu cầu người dân với các thông điệp: “Đề nghị các đơn vị mua bộ sách về quản lý các đơn vị đăng kiểm”, “Yêu cầu người dân và doanh nghiệp đổi tem kiểm định theo quy định của Thông tư mới hoặc yêu cầu cài đặt ứng dụng (App) có logo Cục Đăng kiểm Việt Nam”.

Hình thức lừa đảo giả mạo cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam gây nhức nhối không gian mạng tuần qua.

Ngoài việc gọi điện mạo danh, các đối tượng lừa đảo còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo. Thậm chí, đối tượng tạo website giả mạo giống trang web của cơ quan nhà nước, yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.

Trước tình trạng kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc; luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi; không bấm vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định. Người dân cũng cần xác minh thông tin qua các kênh chính thức của cơ quan nhà nước; đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán khi chưa kiểm tra, xác minh thông tin.