Giá cả leo thang, nhiều gia đình chật vật với chi phí từng bữa ăn

Nhiều loại hàng hóa thiết yếu như gạo, phở, mì, đường, cà phê... tăng giá, các khoản chi phí cố định như tiền điện, nước mùa nắng nóng cũng cao hơn khiến đời sống nhiều người dân thêm phần chật vật.

Lượn khắp các gian hàng tại một siêu thị trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TP. HCM), chị Mai Kim Chung hết ngắm hàng giảm giá lại cầm lên, đặt xuống hàng ở quầy thực phẩm để so sánh giá cả.

Chị chia sẻ, trước đây chị cầm 100.000 đồng đi chợ là đủ cho bữa cơm gia đình, nay quay đi quay lại 100.000 đồng hết cái vèo nhưng vẫn thấy chưa mua được gì.

Nhiều loại hàng hóa thiết yếu đã tăng giá trong thời gian gần đây

Cầm bịch đường cát trắng mới mua từ cửa hàng tạp hóa bên cạnh chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP. HCM), bà Lê Thị Chi than thở, giờ này năm ngoái, bà mua bịch đường với giá 22.000 đồng nhưng nay đã lên 28.000 đồng. Nhiều loại thực phẩm tươi như thịt, cá... cũng tăng giá. Mọi năm, nhiều loại trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu... rẻ rề, nhưng năm nay mưa gì cũng thấy mắc.

Bà Phạm Thị Hương đi tới đi lui chợ Tân Định (quận 1, TP. HCM) để chọn mua hàng. Bà bảo, đụng vào thứ gì cũng thấy tăng giá, từ rau củ, trứng cho đến gạo, thịt... nên bà tới lui mấy vòng mà vẫn chưa quyết định mua cái gì phù hợp, không bị thâm hụt thu chi mỗi ngày trong gia đình.

Anh Nguyễn Thi làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình chia sẻ, trước đây vợ anh mua thực phẩm dùng trong một tuần của cả nhà tốn khoảng 1,2 triệu đồng, nhưng nay phải tới 1,8 - 2 triệu đồng. Thực phẩm tăng giá, trong khi lương của anh vẫn như thế, chỉ ở mức 8 triệu đồng/tháng tính cả tăng ca, nên cuộc sống chật vật hơn lúc trước.

Không riêng chị Chung, bà Chi hay bà Hương, nhiều bà nội trợ khác cũng rất đắn đo mỗi khi chọn mua thực phẩm tại các chợ hay siêu thị vì "đụng đến mặt hàng nào cũng thấy tăng giá". Việc hàng loạt mặt hàng thiết yếu như trái cây, gạo, đường... tăng giá mạnh khiến không ít gia đình phải cố "thắt lưng buộc bụng", chi tiêu dè sẻn không thể "xông xênh" như trước.

Nhiều bà nội trợ phải đắn đo mỗi khi chọn mua thực phẩm vì "đụng đến mặt hàng nào cũng thấy tăng giá" (Ảnh: Ngọc Dương)

Trong khi đó, ông Trung - chủ một cửa hàng tạp hóa gần khu chợ Nguyễn Tri Phương cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, giá dầu ăn đã tăng gần 10.000 đồng mỗi loại, cà phê gói và cà phê bột tăng khoảng 15.000 đồng. Nhiều người đến tiệm của ông mua hàng than thở, kinh tế khó khăn mà cái gì cũng tăng giá.

Trước biến động giá cả này, nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ cho biết, họ buộc phải tăng giá bán sản phẩm do giá các loại nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là các sản phẩm hay nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi tỷ giá USD tăng cao.

Như đại diện siêu thị Lotte Mart cho hay, các mặt hàng tươi sống, nhập khẩu thường xuyên như trái cây, thủy hải sản... đã phải tăng trung bình 5% giá bán ra so với cuối năm ngoái. Các mặt hàng khô như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu cọ sắp tới sẽ tăng giá 2 - 8%.

Ông Nguyễn Ngọc An - Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, doanh nghiệp này cũng chịu nhiều áp lực do sự biến động của giá đầu vào như giá heo hơi, giá bao bì, nguyên phụ liệu... nhập khẩu.

Giá heo hơi đang có chiều hướng tăng cao, có thể đạt 70.000 đồng/kg trong thời gian tới, nhiều sản phẩm làm từ thịt cũng sẽ bị đội giá thành. "Ngoài thịt tươi sống, nhiều sản phẩm chế biến như giò, chả... bắt buộc phải làm từ thịt heo nóng (heo trong nước) thay vì heo nhập. Thịt heo chiếm chủ đạo trong cấu thành giá thành sản xuất. Do đó, mặt hàng này tăng giá sẽ tác động lên giá sản phẩm bán ra, đây là điều khó tránh", ông An nhận định.

Thông tin từ đại diện nhiều siêu thị, dù cố gắng kìm giá nhưng trước tình trạng nhiều nhà cung cấp đang đề xuất cho tăng 2 - 10% giá bán với các mặt hàng khô như mì gói, phở, bún, cà phê và mặt hàng chế biến như xúc xích, giò, chả... vì giá đầu vào tăng. Do đó, nhiều mặt hàng thiết yếu khả năng cao sẽ có một đợt tăng giá mới.