Tăng tối đa không quá 60%
Mới đây, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP. HCM) đã công bố kế hoạch phục vụ hành khách dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, trong 20 ngày cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán từ ngày 19/1/2025 đến hết ngày 7/2/2025, Bến xe Miền Tây dự báo lượng xe sẽ tăng hơn 3% và lượng hành khách tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, trong 10 ngày trước Tết, bến xe dự kiến đón khoảng 437.110 lượt khách, tương đương 16.430 chuyến xe. Ngày cao điểm nhất là 26/1/2025 (27 tháng Chạp âm lịch), dự kiến sẽ có 62.550 lượt khách với 2.085 chuyến xe được phục vụ. 10 ngày sau Tết (từ 29/1 - 7/2/2025), lượng hành khách dự kiến đạt 323.040 người, tương ứng với 17.220 chuyến xe.
Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP. HCM) dự báo lượng hành khách dịp Tết Nguyên đán 2025 sẽ không tăng nhiều so với năm trước. Trong 10 ngày trước Tết, bến xe này ước tính đón khoảng 139.000 lượt hành khách, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2024.
Bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá cước trong thời gian phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Trong trường hợp cần điều chỉnh giá để bù đắp chi phí quay đầu xe (không có khách chiều về), đơn vị vận tải phải kê khai và tuân thủ đúng quy định.
Cụ thể, các tuyến đi tỉnh Kon Tum, Gia Lai có thể điều chỉnh giá cước không quá 40% từ ngày 16 đến hết ngày 18 tháng Chạp và không quá 60% từ ngày 19 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Đối với các tuyến Đắk Lắk, Đắk Nông, mức điều chỉnh tối đa là 40% từ ngày 19 đến 22 tháng Chạp và 60% từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Các tuyến đi Bình Dương và Bình Phước điều chỉnh không quá 40% từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 7 Tết.
Bến xe yêu cầu các đơn vị vận tải gửi hồ sơ kê khai giá cước và bảng niêm yết giá vé về Phòng Kế hoạch vận tải trước 5 ngày để đảm bảo kiểm tra, niêm yết đúng quy định và thông tin kịp thời cho hành khách.
Trong khi đó, Bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức) dự kiến phục vụ khoảng 90.000 lượt khách trong 10 ngày cao điểm trước Tết, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn cao điểm từ ngày 26 đến 29 tháng Chạp, lượng khách đạt 11.000 - 13.000 người mỗi ngày, trong khi các ngày còn lại dao động từ 7.000 - 8.000 lượt khách/ngày.
Bến xe Miền Đông mới cũng khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp Tết. Nếu cần điều chỉnh giá, mức tăng tối đa từ 40 - 60% tùy theo chặng đường và thời gian nhằm bù chi phí chiều xe rỗng. Các doanh nghiệp phải niêm yết thông tin rõ ràng để bến kiểm tra và đảm bảo minh bạch với hành khách.
Giá vé tăng cao gây áp lực cho người dân
Trước thông tin giá vé xe khách tăng từ 40 - 60% dịp Tết, nhiều người băn khoăn, đắn đo giữa việc ở lại thành phố để tiết kiệm chi phí hay trở về quê để đoàn tụ cùng gia đình.
Nguyễn Thanh Linh (25 tuổi, quận 5, TP. HCM) cho biết, dù giá vé có tăng cao, cô và nhiều bạn trẻ vẫn mong muốn về quê. Bởi Tết là dịp đặc biệt để sum họp bên người thân. Quê ở Ninh Thuận, Linh cho hay xe khách vẫn là phương tiện tiết kiệm nhất để về quê. Tàu hỏa và máy bay, chi phí thường cao hơn nhiều. Với những bạn quê ở khoảng cách không quá xa TP. HCM, việc đi xe máy hoặc ghép ô tô với người lạ rồi chia chi phí là những phương án khả thi.
Linh cho biết việc săn vé sớm là rất quan trọng. Những năm trước, nếu mua vé sát ngày Tết, cô thường gặp tình trạng hết vé hoặc chỉ còn chỗ ở cuối xe. Cô bị say xe nên không thể ngồi ở vị trí đó. Khi ấy, cô chỉ còn hai lựa chọn tìm nhà xe khác còn chỗ hoặc đổi ngày về sao cho phù hợp hơn.
Cô cũng khuyên những ai có kế hoạch về quê nên chuẩn bị sớm để tránh bị động, nhất là trong bối cảnh giá vé tăng và nhu cầu đi lại cao trong dịp Tết. Đối với nhiều người trẻ, dù phải bỏ ra chi phí cao hơn, giá trị của việc đoàn tụ bên gia đình trong những ngày đầu xuân vẫn là điều không thể thay thế.
Anh Vũ Tiến Dũng (26 tuổi, TP. HCM) cho biết, quê anh ở Hà Nam, cách TP.HCM rất xa. Vì vậy, dù giá vé xe cao, anh vẫn cố gắng sắp xếp để về thăm gia đình. Anh Dũng bảo, với những người trẻ đi học hoặc làm việc ở các thành phố lớn mà quê ở xa như anh, thường chỉ về nhà 1 - 2 lần mỗi năm. Do đó, chi phí về quê dịp Tết có thể không quá lớn nếu chia đều cho cả năm.
Ngoài ra, việc mua vé sớm là rất quan trọng để tránh hết vé hoặc phải chọn chỗ ngồi không thoải mái. Lên kế hoạch trước giúp tiết kiệm chi phí và bảo đảm chuyến đi thuận tiện hơn.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Vũ (29 tuổi, TP. Thủ Đức) cho biết, anh quê ở Gia Lai và đã không về quê đón Tết 3 năm. Giá vé xe khách dịp Tết thường tăng rất cao, chưa kể các chi phí khác như quà cáp, ăn uống khi về quê. Tổng chi phí cho một chuyến về quê vào dịp này là khá lớn, nên anh đành chọn ở lại TP. HCM và làm thêm ngày Tết để tiết kiệm.
Theo Vũ, giá vé tăng cao không chỉ tạo áp lực tài chính mà còn làm việc lên kế hoạch trở nên khó khăn. Nếu không đặt vé kịp, giá càng đắt hơn. Anh mong có những chính sách hỗ trợ để giá vé xe dịp Tết hợp lý hơn, giúp người trẻ có cơ hội đoàn tụ gia đình. Tết là thời gian sum họp, nhưng với giá vé cao như hiện tại, nhiều người phải cân nhắc kỹ và đôi khi buộc phải chấp nhận ở lại thành phố.
Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Minh Tuấn và chị Trần Thị Mai cũng rơi vào tình thế khó xử khi giá vé xe khách tăng cao. Quê cả 2 ở Nghệ An, cách TP. HCM hơn 1.400 km. Anh Tuấn cho biết, vợ chồng anh dự tính cả hai vé khứ hồi sẽ mất gần 3 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống, quà cáp cho gia đình hai bên. Tổng cộng, chuyến về quê Tết này có thể ngốn đến 7 - 8 triệu đồng, là khoản tiền lớn đối với đôi vợ chồng trẻ mới cưới.
Tết năm ngoái, vợ chồng anh may mắn săn được vé sớm với giá hợp lý. Nhưng năm nay giá có thể tăng cao, nếu không đặt kịp vé, có khi còn phải chịu giá vé chợ đen, lại ngồi vị trí không thoải mái. Cả hai đều đi làm, lương tháng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, nên phải cân nhắc kỹ giữa việc về quê hay ở lại TP. HCM.
Dù vậy, việc không về quê cũng khiến đôi vợ chồng cảm thấy day dứt. Bởi Tết là dịp cả gia đình quây quần. Ở lại thành phố trong khi mọi người đều đoàn tụ thật sự rất tủi thân. Nhưng áp lực tài chính khiến vợ chồng anh Tuấn khó quyết định.