Ô nhiễm tăng đáng lo ngại trong 10 năm qua
Tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” diễn ra ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, ở Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế xã hội và đô thị hóa. Mức độ ô nhiễm tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hàng năm, ô nhiễm tập trung từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau. Ô nhiễm không khí thường tập trung từ nửa đêm đến sáng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.
Điển hình tại Hà Nội, dữ liệu từ ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR của Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội cho thấy, thành phố đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong tháng 10. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 101 - 177 đơn vị.
Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong tháng 11. Như ngày 7/11, AQI có lúc đạt mức 205, thuộc ngưỡng rất kém, đồng thời chỉ số bụi mịn PM2.5 lên tới 205 µg/m³, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các yếu tố như sự phát triển nhanh chóng của 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, gần 7,8 triệu phương tiện giao thông, các công trình xây dựng, dân số đông và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao là những nguyên nhân chính tác động đến chất lượng không khí Thủ đô.
Rửa đường từ 0h đến 6h sáng giảm ô nhiễm
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề xuất triển khai các biện pháp như rửa đường và phun sương tự động để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đặc biệt trong các thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng. Biện pháp này có thể thực hiện trong khung giờ từ 0h đến 6h sáng.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động đồng bộ và thực hiện các giải pháp cụ thể để giảm ô nhiễm không khí, đồng thời yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm các giải pháp hạn chế phát sinh bụi từ giao thông và xây dựng - 2 nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất hiện nay. Ông cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm áp dụng các quy chuẩn khí thải cho phương tiện giao thông và thúc đẩy giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch.
Ông Lê Hoài Nam - Phó cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về khí thải của phương tiện ô tô đang lưu hành, dự kiến sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng Lộ trình áp dụng QCVN khí thải đối với ô tô và xe máy để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang nghiên cứu xây dựng QCVN khí thải cho xe mô tô, xe gắn máy và lộ trình áp dụng theo các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ.
Ông Nam cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, bao phủ toàn bộ các khu vực đô thị để người dân có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân. Đồng thời, cần thiết lập các khu vực hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố. Việc khuyến khích sử dụng xe đạp và phương tiện công cộng sẽ được thúc đẩy thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng thuận tiện, bao phủ rộng khắp.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ông đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, ưu tiên nguồn lực và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ để góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ sức khỏe người dân.
Liên quan đến biện pháp rửa đường để giảm ô nhiễm, Hà Nội đã từng áp dụng vào những thời điểm được đánh giá ô nhiễm nghiêm trọng nhất. PGS.TS Hoàng Xuân Cơ - giảng viên cao cấp tại Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, Hà Nội hiện có lượng bụi lớn, chủ yếu là bụi đường do phương tiện giao thông tạo ra. Do đó,hệ thống tưới nước đường phố trước đây là một giải pháp hữu hiệu và việc khôi phục lại các dự án như vậy là rất cần thiết.
Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam lý giải tình trạng ô nhiễm không khí gần đây là do đã bước vào mùa ô nhiễm, với thời tiết không thuận lợi cho việc khuếch tán bụi PM2.5.
Ông Tùng cho rằng, Hà Nội cần xem xét tái triển khai biện pháp rửa đường, đồng thời lựa chọn thời gian và tuyến đường phù hợp để thực hiện. Mặc dù việc rửa đường ít được thực hiện trong thời gian qua, thay vào đó là các máy hút bụi và quét đường, nhưng Hà Nội vẫn có rất nhiều bụi từ các công trình xây dựng và hạ tầng. Vì vậy, cần bàn bạc kỹ lưỡng để việc rửa đường không chỉ hiệu quả trong việc làm sạch mà còn không gây cản trở giao thông.