Hạn chế phương tiện qua cầu Chương Dương
Mưa lớn sau bão số 3 cùng với việc các hồ chứa thủy điện xả lũ khiến mực nước trên các sông thuộc địa bàn Hà Nội lên nhanh. Đặc biệt, lũ sông Hồng dâng cao trong đêm 9 và rạng sáng 10/9 khiến nhiều người Hà Nội không kịp trở tay. Cư dân sống ven sông ở các bãi Phúc Xá, Phúc Tân, bến Chương Dương Độ (thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình) đã phải di tản trong đêm.
Trước tình hình này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đưa ra thông báo, lũ sông Hồng chảy xiết có khả năng ảnh hưởng đến kết cấu cho các cầu bắc qua sông Hồng đã có nhiều năm tuổi như Long Biên, Chương Dương.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương từ 8h30 ngày 10/9. Theo đó, cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn và xe buýt được phép hoạt động.
Các phương tiện xe khách, xe du lịch, xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương chuyển hướng lưu thông qua các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Hà Nội bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn, tránh gây ùn tắc giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường, nút giao. Đồng thời theo dõi, đánh giá tình hình giao thông trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh lại cho phù hợp.
Sở cũng đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm và Long Biên chỉ đạo lực lượng công an quận, chính quyền địa phương bố trí lực lượng phối hợp với Thanh tra Sở, CSGT TP. Hà Nội cùng những đơn vị liên quan để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông. Tổ chức kiểm tra, xử lý những vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, dừng đỗ xe trái phép gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nút giao khu vực lân cận.
Tạm dừng tàu hỏa qua cầu Long Biên
Ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cho biết vừa quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng qua cầu dâng cao, chảy xiết, uy hiếp an toàn.
Theo đó, hôm nay (ngày 10/9), các chuyến tàu khách từ Hà Nội - Hải Phòng xuất phát (qua cầu Long Biên) sẽ trả khách tại ga Gia Lâm. Toàn bộ tàu hàng từ phía Bắc (Lào Cai) về Hà Nội sẽ tạm dừng do không chạy được qua cầu Long Biên và đường vành đai (Hà Đông - Văn Điển).
Ông Hoan cho hay, hiện đường sắt khu vực Hà Nội ngập nặng. Giáp Bát không thể tổ chức xếp dỡ hàng hóa. Tuyến vành đai Bắc Hồng - Văn Điển không thể chạy tàu nên không đưa hàng giữa các ga Đông Anh, Yên Viên và Giáp Bát.
Đường sắt có khoảng 14 chuyến tàu đi qua cầu Long Biên, trong đó có 8 chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng, 2 chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai, 4 chuyến tàu hàng. Thời gian tàu tạm dừng đến khi tình hình mưa lũ có thay đổi.
Ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cũng cho biết đang yêu cầu các đơn vị dừng chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai vì ngập lụt, dừng tuyến Yên Bái lên Lào Cai vì đang sạt lở. Hiện Cục đang rà soát lại các vị trí mất an toàn, đặc biệt qua các cầu để xem xét dừng khai thác, bảo đảm an toàn cho người dân.
Sau sự cố sập cầu ở Phú Thọ, Ban An toàn Giao thông TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tăng cường khắc phục hậu quả mưa bão số 3, trong đó có nội dung khẩn trương rà soát các cầu vượt sông và cấm xe đi qua các cầu yếu.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cùng các đơn vị chức năng rà soát toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt các cầu vượt sông trên địa bàn thành phố đang quản lý. Với các cầu yếu có nguy cơ bị đổ sập cần khẩn trương cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu, đồng thời có biện pháp phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian cấm lưu thông.
Lực lượng Thanh tra Giao thông phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, phân luồng phương tiện qua các vị trí kết cấu hạ tầng giao thông xảy ra sự cố do ảnh hưởng bão số 3. Đặc biệt là các cầu yếu bị cấm lưu thông (nếu có), vị trí bị úng ngập cục bộ, cây xanh bị gãy, đổ sau cơn bão số 3. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, Phòng Cảnh sát giao thông triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, nhất là các bến khách ngang sông trong mùa mưa bão.
Ban An toàn thành phố Hà Nội đề nghị lực lượng công an phối hợp với Thanh tra Giao thông phân luồng, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông xảy ra sự cố do ảnh hưởng mưa bão số 3. UBND các quận, huyện, thị xã kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông qua các cầu có nguy cơ bị đổ sập.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội từng cho biết, trên địa bàn thành phố còn 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, có 55 công trình cầu do thành phố quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa.