Công khai danh sách người đẩy giá đất đấu giá cao rồi bùng cọc
UBND TP. Hà Nội vừa có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện quy định, hạn chế tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở; ưu tiên việc đấu giá đất có thu tiền sử dụng, cho thuế đất đối với tổ chức để thực hiện dự án đầu tư.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu UBND cấp huyện lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Danh sách này sau đó sẽ được công khai trên trang thông tin của các huyện và Sở Tài nguyên Môi trường.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm về đấu giá đất. Đồng thời, Công an cũng cần đề xuất các giải pháp để ngăn chặn và hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá với các trường hợp trả giá trúng cao bất thường rồi bỏ cọc.
Đối với Sở Tài nguyên Môi trường được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện cập nhật, điều chỉnh bảng giá đất. Cùng với đó, cơ quan này phải kịp thời phối hợp, hướng dẫn các huyện để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình xác định giá đất.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá đảm bảo tính cạnh tranh và sát với giá trị trường.
Mới đây, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chỉ ra những hạn chế, tiêu cực trong việc đấu giá đất thời gian qua. Trong đó có hiện tượng trả giá rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều hơn, thậm chí mang tính tổ chức.
Nguyên nhân của thực trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, do các cá nhân hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ, yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, thông đồng thao túng thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Hà Nội cần ban hành bảng giá đất mới
Nêu quan điểm về hệ luỵ của việc đẩy giá đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc tạo sốt ảo dẫn đến giá nhà ở bị kéo lên cao, gây nhiễu loạn thị trường. Trong khi phần đông người dân có nhu cầu ở thực khó thực hiện giấc mơ an cư thì việc thu lợi chỉ thuộc về một nhóm nhỏ đầu tư.
Một trong những thiệt hại có thể thấy ngay là sự sụt giảm về thu ngân sách. Như tại huyện Thanh Oai, tổng số tiền thu từ phiên đấu giá 10/8 đạt hơn 80 tỷ đồng, chỉ bằng 20% mức dự kiến tại thời điểm kết thúc phiên đấu.
Theo đó, để “trị bệnh” bỏ cọc đấu giá, các địa phương cần có phương án chặt chẽ và an toàn hơn như mức giá khởi điểm phải phù hợp với thị trường, từ đó mức tiền cọc sẽ tương ứng. Đồng thời, cần cấm hoặc không cho phép them gia đấu giá trong thời gian nhất định với những người có “lịch sử” bỏ cọc đấu giá.
Ông Nguyễn Công Quảng - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cũng đề xuất, giải pháp nào cũng dựa theo quy định, nếu không thay đổi bảng giá đất thì khởi điểm vẫn vậy. Do đó, Hà Nội cần ban hành bảng giá đất mới.
Tuy nhiên, việc này cũng cần có lộ trình cụ thể, bởi điều chỉnh giá đất sẽ tác động lớn đến người dân, những người có nhu cầu chuyển đổi đất an sinh, đền bù thu hồi giải phóng mặt bằng. Nếu chuyển đổi đột ngột, tăng sốc, sẽ dẫn đến bất ổn thị trường bất động sản. Câu chuyện dự thảo bảng giá đất tại TP.HCM là một ví dụ điển hình khi có nơi được điều chỉnh tăng lên tới 50 lần, khiến người dân hoang mang, “đổ xô” đi làm thủ tục nhà đất rồi lại “ngồi trên đống lửa” khi hồ sơ bị tắc nghẽn khâu tính thuế.