Hà Nội: Giải pháp khuyến khích người dân sử dụng thẻ xe buýt phi vật lý

Sau gần nửa năm triển khai, nhiều người vẫn chưa biết về sự tồn tại của thẻ xe buýt phi vật lý. Nguyên nhân là do loại hình này mới, người dân đặc biệt là người lớn tuổi vẫn còn e ngại về cách sử dụng.

Tháng 4 vừa qua, Hà Nội đã chính thức triển khai thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho tất cả các loại thẻ vé tháng và thẻ miễn phí trên các tuyến xe buýt có trợ giá thuộc mạng lưới vận tải công cộng. Thực chất, đây là một ứng dụng mang tên "Thẻ vé giao thông Hà Nội", được cài đặt trên điện thoại thông minh.

Thẻ phi vật lý mang lại sự tiện lợi như giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí quản lý và phát hành vé, đồng thời hạn chế gian lận và thất thoát doanh thu. Dù mang nhiều lợi ích nhưng sau gần nửa năm triển khai, nhiều người vẫn chưa biết về sự tồn tại của loại thẻ này. Trên nhiều tuyến xe buýt, lượng hành khách sử dụng thẻ ảo vẫn còn khá ít.

Trên nhiều tuyến xe buýt, lượng hành khách sử dụng thẻ ảo vẫn còn khá ít

Như trên các tuyến xe buýt như số 106 (Khu đô thị Mỗ Lao - Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên) hay số 36, chỉ một số ít hành khách sử dụng thẻ ảo, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Nguyên nhân loại thẻ này chưa phổ biến là do loại hình này mới, nhiều người dân đặc biệt là người lớn tuổi vẫn còn e ngại về cách sử dụng.

Bà Bùi Thị Cúc (Đống Đa) đã được con trai hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" nhiều lần, nhưng bà vẫn cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng. Bà Cúc chia sẻ, người già không quen dùng điện thoại thông minh nên rất khó để hiểu cách dùng thẻ xe này.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Cương (Nam Từ Liêm) cũng cho biết đã quen với việc sử dụng thẻ xe buýt vật lý và đăng ký trực tiếp tại các điểm bán vé, nên chưa có nhu cầu chuyển đổi sang thẻ điện tử.

Ngay cả người trẻ như chị Trần Thị Hải (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng chưa sử dụng thẻ ảo. Chị Hải cho hay, chưa biết nhiều về loại vé này và thỉnh thoảng mới đi xe buýt nên việc mua vé lượt vẫn tiện lợi hơn.

Trong khi đó, anh Đặng Văn Sơn (quận Long Biên) cho rằng, sử dụng thẻ phi vật lý trong thời đại công nghệ số sẽ mang lại nhiều tiện lợi như giảm chi phí sản xuất thẻ nhựa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, anh Sơn cũng băn khoăn về việc nhiều người không có điện thoại thông minh có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng vé ảo và nhấn mạnh rằng xe buýt vẫn là phương tiện dành cho nhiều đối tượng có thu nhập thấp.

Thẻ phi vật lý đi xe buýt ở Hà Nội không cần kết nối mạng vẫn sử dụng được

Để khuyến khích người dân sử dụng loại hình vé này, mới đây Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội đã triển khai thẻ vé ảo offline. Theo đó, sau khi cập nhật phiên bản mới của ứng dụng Thẻ vé Giao thông Hà Nội, hành khách có thể sử dụng thẻ phi vật lý mà không cần kết nối Internet.

Thẻ này được thiết kế theo tài khoản định danh cá nhân, hiển thị trên điện thoại di động với đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý gồm mã thẻ, thông tin chủ thẻ, loại đối tượng và thời hạn sử dụng thẻ.

Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông thành phố Hà Nội cho hay, thẻ phi vật lý không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất thẻ vật lý mà còn tiết kiệm thời gian và công sức cho hành khách, khi họ không cần phải chờ đợi hay đến các điểm để dán tem thẻ vé tháng như trước đây. Sau khi đăng ký thành công, thẻ ảo có thể được sử dụng ngay lập tức mà không cần chờ đợi 3 - 4 ngày để nhận thẻ như thẻ vật lý.

Anh Trần Bình Hải - nhân viên bán vé trên tuyến buýt số 36 cho biết, thẻ ảo không cần kết nối internet vẫn sử dụng được giúp quá trình quét mã vé trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn, không còn phải lo lắng về việc đổi tiền lẻ để mua vé.

Tính đến nay, đã có 48.221 thẻ ảo được phát hành, chiếm 47% tổng số thẻ vé tháng. Đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên, chiếm khoảng 60%, trong khi số lượng người cao tuổi sử dụng vẫn còn thấp, chỉ chiếm 17%. Nhiều ý kiến cho rằng, để thẻ điện tử được áp dụng rộng rãi, cần có sự hỗ trợ từ nhân viên tại các trạm chờ để hướng dẫn người cao tuổi sử dụng dịch vụ mới này.