Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025" với mục tiêu đến năm 2025, 100% cửa hàng kinh doanh trái cây sẽ có đăng ký kinh doanh và được cấp biển nhận diện "cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn".
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội đặt mục tiêu quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, vì từ đầu năm 2023, việc quản lý và cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đã được triển khai.
Ngày 24/11, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch kiểm tra 92 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, trái cây trên địa bàn. Đến nay, Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 42 doanh nghiệp, phát hiện 10 doanh nghiệp vi phạm và xử phạt hành chính 10 doanh nghiệp với tổng số tiền 177.498.000 đồng.
Bên cạnh đó, Sở đã chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 6 cơ sở vi phạm và đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 159 triệu đồng.
Theo kế hoạch, các đơn vị thành viên của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, đồng thời xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị, đặc biệt là tại lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, thành phố sẽ tăng cường giám sát và cảnh báo về nguy cơ chất lượng, an toàn thực phẩm, bao gồm cả hoạt động kinh doanh trái cây tại các chợ đầu mối. Thành phố sẽ kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không tuân thủ quy định.
Cơ quan chức năng cũng sẽ công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo an toàn thực phẩm được cấp biển nhận diện và các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn.
Hà Nội sẽ tăng cường hỗ trợ và kết nối các cơ sở trồng trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh trái cây, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh trái cây.
Mục tiêu của thành phố là tạo ra một môi trường kinh doanh trái cây lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ và kiểm soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây tuân thủ đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, từ khâu sản xuất, sơ chế, cung ứng đến tay người tiêu dùng, đảm bảo ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Cần quản lý từ nguồn
Trao đổi về triển khai đề án trên, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, công tác quản lý an toàn thực phẩm ở tuyến huyện và xã gặp khó khăn do đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, đồng thời thiếu chuyên môn về an toàn thực phẩm. Điều này đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đề án.
Ngoài ra, nguồn cung cấp trái cây đến từ nhiều kênh khác nhau như đường hàng không, đường bộ, chợ đầu mối, trong khi lực lượng kiểm tra lại mỏng, khiến việc kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây tại các cửa hàng gặp không ít khó khăn.
Hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây nhỏ lẻ đều nhập hàng từ chợ đầu mối, thay vì mua trực tiếp từ nhà sản xuất, nên gặp trở ngại trong việc truy xuất nguồn gốc. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường mua số lượng ít, gom hàng từ nhiều nơi, và không yêu cầu các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, vì người bán không cung cấp thông tin đầy đủ, dẫn đến chỉ có hóa đơn bán lẻ không rõ ràng.
Về phía người tiêu dùng, thói quen "tiện đâu mua đấy" vẫn còn phổ biến, khiến họ chưa chú trọng đến nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, điều này làm giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền và kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Ông Chu Xuân Kiên cũng cho biết, UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo UBND các phường phối hợp với các phòng, ban, ngành và Đội Quản lý thị trường để kiểm tra và giải tỏa các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và nơi công cộng để kinh doanh trái cây. Đồng thời, giao UBND các phường định kỳ và đột xuất kiểm tra, giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây trái phép, gây mất trật tự giao thông và không đảm bảo văn minh đô thị, cũng như an toàn thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề cần làm gì để quản lý hiệu quả các cửa hàng kinh doanh trái cây, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, cần phải quản lý từ khi trồng trọt cho đến nhập khẩu, rồi phân phối, bán ra ở từng địa chỉ một, theo chuỗi phân phối. Việc mua bán phải có hóa đơn, chứng từ; niêm yết giá công khai, hoa quả có nguồn gốc xuất xứ.
Việc kiểm soát nên làm trước hết ở những địa điểm trung tâm buôn bán, tiêu thụ hoa quả lớn nhất, rồi nhân ra. Bởi Hà Nội có hàng nghìn siêu thị, hàng chục vạn tiểu thương, nên không thể làm ngay một lúc được vì thiếu nhân lực và cơ sở vật chất. Cùng với đó, phải khen thưởng những người làm ăn tốt, nhân rộng các siêu thị tốt. Đồng thời kỷ luật, phạt, thậm chí đình chỉ kinh doanh với những người đã được tuyên truyền, nhắc nhở mà lại làm ăn không đảm bảo.
Trước câu hỏi làm sao để kiểm soát được nguồn gốc hoa quả, ông Phú chia sẻ, thực tế bây giờ ra chợ Long Biên, chính người bán cũng không biết nguồn gốc hoa quả thế nào. Do vậy phải quản lý theo chuỗi, đừng để những thùng táo, thùng lê từ biên giới tỏa ra hàng nghìn tiểu thương, lúc đó mới đi quản thì hoa quả đã tiêu thụ hết rồi. Bởi vậy, quản lý phải từ gốc. Ông Phú nhấn mạnh, phải quản lý từ gốc, từ biên giới, hải quan chứ không phải vào sâu đến Hà Nội mới quản. Như thế là quá muộn, giống “thả gà ra đuổi”.