Chuyên gia hiến kế ngăn giá hàng hoá “té nước theo mưa” khi lương tăng

Mỗi lần tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng, một số nhà sản xuất lại lợi dụng để “té nước theo mưa” đẩy giá hàng hóa tăng lên. Nếu muốn hạn chế tình trạng này, cơ quan Nhà nước cần tăng cường hơn nữa quản lý thị trường về các mặt hàng thiết yếu.

Chỉ còn chưa đến 10 ngày nữa là đến thời hạn cải cách tiền lương (ngày 1/7). Cùng với mong đợi tăng lương, nhiều người lao động cũng cũng lo ngại tình trạng tăng, giá của hàng hóa.

Chị Nguyễn Thị Kim Huyền (23 tuổi, quận 3, TP. HCM) chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc lương cơ bản tăng là điều đáng mừng, giúp vượt khó, yên tâm làm việc. Dự kiến lương của chị sẽ được tăng khoảng hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Huyền cũng bày tỏ lo lắng giá cả thực phẩm, điện, nước, gas… sẽ có chiều hướng leo thang, lương tăng ít mà giá tăng nhiều.

hang-hoa-1719039897.jpg
Lương cơ bản tăng từ ngày 1/7 khiến nhiều người lo lắng giá hàng hóa tăng theo

Chị Võ Thị Thảo (ngụ TP. Dĩ An tỉnh Bình Dương) đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung (TP. Thủ Đức, TP. HCM). Sau 9 năm làm công nhân, lương cơ bản của chị vẫn chỉ được 8 triệu đồng/tháng. Số lương này bao gồm mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn TP. HCM và phụ cấp của công ty, tăng ca.

Chị Thảo chia sẻ, chị đang gồng gánh cả gia đình nên có rất nhiều khoản phải chi. Thời điểm vật giá leo thang, chị phải thắt chặt chi tiêu tối đa, một số khoản như mua áo quần, đám cưới, tiệc… đều bị cắt bớt. Vì vậy, việc tăng thêm dù chỉ 200.000 đồng với công nhân như chị cũng là điều rất cần thiết.

Chị Lê Thu Giang đang làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập tại Hoàng Mai (Hà Nội). Chị cho biết, mức lương của chị khoảng 7 triệu đồng. Tăng lương 30%, chị sẽ nhận tổng thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Mức tăng lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng sẽ giúp chị có chi phí cho các con học thêm.

Chị Giang bảo, tiền học thêm, bỉm sữa rồi lương thực, thực phẩm đều tăng qua các năm. Chị mong cơ quan chức năng có giải pháp để tránh việc lương chưa tăng, giá hàng hóa đã tăng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lý (Long Biên, Hà Nội) cho hay, 2 vợ chồng bà sống nhờ vào lương hưu 5 triệu đồng/tháng/người. Ngoài chi phí ăn uống hàng ngày, lương hưu của bà còn phải chi mua thuốc thang. Do đó, nghe tin lương hưu tăng khi cải cách tiền lương, bà khấp khởi mừng. Bà Lý tâm sự, tiền thuốc chiếm phần nhiều trong lương hưu hàng tháng. Nếu tăng thêm lương hưu, vợ chồng bà sẽ có thêm chi phí mua loại thuốc tốt hơn.

hang-hoa-1-1719040042.jpg
Để ngăn việc “té nước theo mưa”, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá hàng hóa (Ảnh: Phúc Kha)

Trước lo lắng của người dân về “lương chưa tăng, giá đã tăng”, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính xác nhận tình trạng này đã xảy ra nhiều lần. Điều này khiến cho việc tăng lương không giúp thực chất cho đối tượng hưởng lương. Bộ Tài chính đưa ra nhiều giải pháp chủ động để tăng lương nhưng không tăng giá hàng hoá.

Ông Nguyễn Đức Chi cho biết, các bộ, ngành chủ động điều hành nhịp nhàng giá phí, mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý như viện phí, học phí. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng thanh tra, kiểm tra thị trường về bán hàng hoá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng là 4,03%. Với vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, để ngăn việc “té nước theo mưa”, cơ quan chức năng cần có giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, bảo đảm lưu thông giúp nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào.

Ở mỗi địa phương đều có đơn vị chức năng như quản lý thị trường, ban quản lý chợ. Các đơn vị này lắng nghe phản ánh và xử lý hiện tượng tăng giá, kiểm tra, xử lý sẽ ngăn chặn được việc người bán tăng giá bất hợp lý.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho hay, chính sách vừa ban hành như giảm thuế giá trị gia tăng nửa cuối năm 2024 sẽ góp phần giảm áp lực tăng giá khi tăng lương. Hiện nay, kinh tế khó khăn khiến thu nhập giảm nên người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, để giữ chân khách hàng, doanh nghiệp, tiểu thương sẽ cố gắng giữ ổn định giá bán hàng hóa.

Còn tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định, mỗi lần tăng lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng, một số nhà sản xuất lại lợi dụng để “té nước theo mưa” đẩy giá hàng hóa tăng lên. Việc tăng lương không tác động đến vấn đề giá cả, giá cả do cung cầu quyết định.

Nếu muốn hạn chế tình trạng giá cả tăng theo lương, cơ quan Nhà nước cần tăng cường hơn nữa quản lý thị trường về các mặt hàng thiết yếu. Nếu những thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà quản lý được mặt bằng giá thì sẽ kéo theo các địa phương khác ổn định.