Hà Nội: Đang tìm nguồn ô nhiễm ngoài 7 triệu xe máy để giải quyết dứt điểm

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhận định, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội hiện nay đang ở mức nghiêm trọng chưa từng có. Tuy nhiên, ông cho rằng nguyên nhân không hoàn toàn do 7 triệu xe máy trên địa bàn, bởi "cùng lắm chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu xe chạy cùng lúc trên đường".

Càng chậm trễ, càng nghiêm trọng

Sau thời gian dài không khí ô nhiễm với chỉ số chất lượng ở mức xấu và rất xấu, chất lượng không khí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã cải thiện đáng kể. Một số điểm quan trắc đã chuyển từ mức tím (rất xấu) sang vàng (trung bình) hoặc xanh (tốt).

Kết quả này đạt được nhờ không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó lan đến Bắc Trung Bộ và một phần Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ. Gió mạnh và mưa do không khí lạnh giúp rửa trôi hoặc khuếch tán bụi mịn, cải thiện chất lượng không khí.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh: Viết Thành)

Tại buổi gặp mặt các đại biểu cơ quan báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhận định, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội hiện nay đang ở mức nghiêm trọng chưa từng có. Tuy nhiên, ông cho rằng nguyên nhân không hoàn toàn do 7 triệu xe máy trên địa bàn, bởi "cùng lắm chỉ khoảng 2,5 - 3 triệu xe chạy cùng lúc trên đường".

Ông nhấn mạnh, thành phố đang thực hiện các chương trình ngắn hạn và nghiên cứu những giải pháp dài hạn để tìm hiểu nguyên nhân thực sự của vấn đề. Vài triệu xe lưu thông cùng lúc không thể gây ô nhiễm đến mức này, nên phải tìm ra nguồn ô nhiễm ở chỗ nào, tại sao lại như thế? Ông cũng kêu gọi mỗi người dân Thủ đô cùng chung tay để xây dựng Hà Nội trở nên sạch hơn, xanh hơn và sáng hơn.

Tại lễ phát động chiến dịch "Vì Thủ đô trong xanh" sáng 10/1, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, Hà Nội đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi cần có hành động quyết liệt hơn để chống lại "giặc ô nhiễm không khí". Các bài học trên thế giới đã cho thấy rằng càng chậm trễ, vấn đề càng trở nên trầm trọng và cái giá phải trả càng cao, không chỉ về tài chính mà còn là sức khỏe, thậm chí là tính mạng và tương lai của thế hệ sau.

Ông cũng chỉ rõ, ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu là bụi mịn PM2.5 - loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Loại bụi này có thể xâm nhập sâu vào túi phổi, tĩnh mạch phổi và hệ tuần hoàn máu, gây ra hàng loạt bệnh lý liên quan đến hô hấp và tim mạch.

Trung bình một người hít thở khoảng 22.000 lần mỗi ngày, với mỗi lần hít vào khoảng 500ml khí, tương đương 10.000 lít không khí cần cho cơ thể hàng ngày. Tuy nhiên, bụi mịn PM2.5 chứa các chất độc hại luôn hiện diện trong không khí, khi hít vào sẽ làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Dẫn chứng từ các nghiên cứu, ông Tùng nhấn mạnh bụi mịn PM2.5 và khí NO2 liên tục vượt ngưỡng an toàn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người dân, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính. Do đó, chúng ta không thể chần chừ thêm nữa. Tất cả đều phải quyết tâm, hành động quyết liệt trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí.

Tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi xanh

Về nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, là một thành phố lớn với 12 quận nội thành và 18 huyện ngoại thành, Hà Nội có sự khác biệt đáng kể về chất lượng không khí và nguồn gây ô nhiễm giữa các khu vực.

Ở các huyện ngoại thành, nguồn ô nhiễm chính đến từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề tái chế, việc đốt rác và rơm rạ sau thu hoạch, cũng như các hoạt động chăn nuôi. Những yếu tố này góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.

Xử lý ô nhiễm không khí càng chậm trễ, vấn đề càng trở nên trầm trọng và cái giá phải trả càng cao

Tại các quận nội thành Hà Nội, nguồn ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng công trình đô thị, sửa chữa hạ tầng đường sá, vỉa hè, việc đốt rác và đặc biệt là phương tiện giao thông cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Về giải pháp giảm ô nhiễm không khí, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh thế giới đã có nhiều bài học quý giá trong việc giảm thiểu ô nhiễm từ phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch. Bắc Kinh là một ví dụ điển hình, khi thành phố này đã chuyển đổi hơn 10.000 xe buýt chạy dầu sang xe điện trong thời gian ngắn. Đồng thời, thành phố yêu cầu tất cả các dịch vụ nội đô như bưu điện, giao hàng và phương tiện vệ sinh môi trường phải sử dụng xe điện.

Ông Tùng kêu gọi người dân tham gia bảo vệ môi trường không khí bằng cách ưu tiên sử dụng các phương tiện di chuyển xanh như xe buýt, xe máy điện hoặc ô tô điện.

Về phía cơ quan quản lý, ông đề xuất cần áp dụng các chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện, như hỗ trợ tài chính, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện và tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các trạm sạc điện. Những chính sách này đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công và mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đang là hai thách thức lớn đối với Thủ đô. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 359 ngày 10/12/2024 nhằm thực hiện phong trào thi đua "Sáng, Xanh, Sạch, Đẹp" và Kế hoạch 366 ngày 13/12/2024 về nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường tại 4 quận nội đô.

Đặc biệt, thành phố đang tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi xanh cho các phương tiện giao thông công cộng, với mục tiêu đến trước năm 2035, 100% xe buýt trên địa bàn sẽ sử dụng năng lượng sạch.

Tiến sĩ Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Hà Nội thường xuyên nằm trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh các giải pháp chung như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ áp dụng Luật Thủ đô vào thực tiễn.

Một điểm nổi bật trong Luật Thủ đô là thiết lập vùng phát thải thấp. Đây là khu vực được quy hoạch để hạn chế các phương tiện giao thông có lượng khí thải cao, nhằm cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, Hà Nội áp dụng các biện pháp nhằm giảm xe sử dụng xăng dầu và các phương tiện có tỷ lệ phát thải cao ra vào khu vực nội đô, đặc biệt là các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Với tư cách là một nhà khoa học, tiến sĩ Miều bày tỏ mong muốn các quy định này sớm được triển khai trong thực tế. Bởi chỉ khi chính sách đi vào cuộc sống, chúng ta mới có thể đánh giá hiệu quả, điều chỉnh và mở rộng mô hình vùng phát thải thấp, góp phần cải thiện môi trường không khí tại Hà Nội.