Hà Nội: Yêu cầu tăng cường phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật

Khi phát hiện hoặc nhận thông tin về các trường hợp bệnh lây truyền từ động vật sang người, CDC Hà Nội phải kịp thời thông tin tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người.

Trong một hội nghị về phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người được tổ chức tại Hà Nội, tiến sĩ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người... Hiện nay, nước ta có tới hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Trước tình trạng này, mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn số 2471/SYT-NVY về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tăng cường biện pháp phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội - đơn vị thường trực của Sở Y tế, phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

CDC Hà Nội được giao tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, xử lý ổ dịch bệnh dại và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Đồng thời, tăng cường giám sát phát hiện những trường hợp bị động vật cắn, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm tại các cơ sở y tế trên địa bàn để sớm phát hiện những trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh dại, cúm gia cầm. Tham gia điều tra, giám sát, hướng dẫn xử lý ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Khi phát hiện hoặc nhận thông tin về các trường hợp bệnh lây truyền từ động vật sang người, CDC Hà Nội phải kịp thời thông tin tới Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên người. Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên người.

Khi bị động vật cắn, người dân phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ

CDC Hà Nội phải củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ vaccine phòng bệnh cho người. Quản lý, hướng dẫn các cơ sở y tế, các điểm tiêm vaccine trên địa bàn thực hiện, báo cáo thông tin về bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Công khai các điểm tiêm vaccine phòng dại trên địa bàn; chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dại, cúm gia cầm, viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng cúm và hội chứng viêm phổi nặng do virus tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã cũng được giao đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, khi bị động vật cắn phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc Nam để điều trị.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người thì phải báo cáo ngay với CDC Hà Nội, UBND địa phương và các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân, kịp thời xử lý và thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập cũng được đề nghị chuẩn bị sẵn sàng về thuốc, vật tư, trang thiết bị… để tiếp nhận, cách ly, điều trị ca bệnh, thực hiện hội chẩn với các bệnh viện tuyến Trung ương khi có bệnh nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với CDC Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn trong việc thông báo, trao đổi thông tin về các trường hợp mắc bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người để chủ động giám sát, xử lý, phòng chống dịch tại cộng đồng.

Bé trai 2 tuổi điều trị tại bệnh viện sau khi khởi phát bệnh dại

Hiện nay, nuôi thú cưng rất được ưa chuộng tại các đô thị, đặc biệt là các loại chó mèo. Tuy nhiên, rất nhiều người dân còn chủ quan, thờ ơ, thiếu hiểu biết về bệnh dại do thú cưng gây ra.

Như mới đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 2 tuổi khởi phát bệnh dại trong tình trạng nguy kịch. Gia đình cho biết, trước khi nhập viện 1 tháng, bé bị chó của gia đình nuôi (chưa tiêm phòng dại) cắn vào vùng cổ và cằm. Do vết thương không sâu nên gia đình chỉ rửa bằng xà phòng cho trẻ mà không đưa đi tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Khoảng 8 ngày trước khi nhập viện, bé lên cơn sốt kèm theo biểu hiện bất thường nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh điều trị với chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Do tình trạng của bé ngày càng nặng và chuyển biến nhanh nên đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại bệnh viện, bé có biểu hiện sợ gió, xuất tiết đờm dãi, kích thích, vật vã, hoảng loạn. Kết quả các xét nghiệm nước bọt, dịch não tủy xác định, bé mắc bệnh dại. TS.BS Đào Hữu Nam - Trưởng khoa điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, đa số các trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm phòng do cha mẹ thiếu hiểu biết về bệnh dại.