Hà Nội: Yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm áp lực, tiết kiệm chi phí

Chỉ thị khẩn của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý đến công tác tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn ở cho thí sinh và người thân tại tất cả các điểm thi. Đồng thời, vận động hỗ trợ cho thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, hay thí sinh ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai tham dự kỳ thi.

Công điện khẩn của chủ tịch thành phố

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp và tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.

Trong Chỉ thị, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, cũng như đảm bảo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách tốt nhất.

Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Mục tiêu là tổ chức kỳ thi theo hướng giảm áp lực, tiết kiệm chi phí, hạn chế tối đa gánh nặng cho thí sinh và gia đình. Công tác tổ chức cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện cần thiết và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tổ chức thi. Các đơn vị tổ chức cần phải linh hoạt và xử lý hiệu quả mọi vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu thực hiện chỉ đạo và kiểm tra việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức ôn tập, kiểm tra và đánh giá đối với học sinh THPT, đặc biệt là học sinh lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sở cần bảo đảm các điều kiện cần thiết để kỳ thi diễn ra thuận lợi, không để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi tham gia tổ chức thi.

Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhanh chóng ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai công tác tuyển sinh cho các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Sở phải phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục đại học để thực hiện kế hoạch tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng người học vào giáo dục nghề nghiệp.

Chỉ thị cũng đặc biệt lưu ý đến công tác tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn ở cho thí sinh và người thân tại tất cả các điểm thi. Đồng thời, vận động hỗ trợ cho thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thí sinh khuyết tật, hay thí sinh ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai tham dự kỳ thi. Chỉ thị khẳng định: “Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại khi tham gia kỳ thi”.

Siết xét tuyển sớm

Năm 2025 sẽ là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các thí sinh sẽ thi Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong các môn học ở bậc THPT. Kết quả xét tốt nghiệp sẽ được kết hợp giữa kết quả thi và điểm học bạ.

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường không được phép vượt quá 20% tổng chỉ tiêu của các trường. Tất cả các phương thức xét tuyển phải được quy đổi về một thang điểm chung, và điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Mặc dù các trường vẫn giữ quyền tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu đối với phương thức xét tuyển học bạ, các trường phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12 và điểm tổ hợp ít nhất 3 môn, trong đó bao gồm môn toán và ngữ văn là bắt buộc.

Nếu quy định này được thông qua, các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ sẽ không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay.

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học

PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục Đào tại) chia sẻ, dự thảo thông tư sửa đổi được đưa ra nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay và tăng cường sự công bằng cho các thí sinh tham gia xét tuyển.

Về điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, bà Thủy cho rằng, điều này được thực hiện dựa trên thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, nhằm đảm bảo việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Đồng thời, quy định này sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình học tập của học sinh trong kỳ học cuối cùng của lớp 12 và việc ôn thi tốt nghiệp THPT.

Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh trong quá trình ứng tuyển, vì không phải thí sinh nào cũng có thể tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

Theo bà Thủy, việc giảm quy mô xét tuyển sớm sẽ không gây khó khăn, mà ngược lại, còn giúp các trường dễ dàng hơn trong công tác tuyển sinh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh. Dù có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển không thay đổi. Vậy tại sao các trường lại phải vất vả chạy đua với việc xét tuyển sớm?

Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 lại phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, không thể yên tâm học tập, trong khi Bộ Giáo dục Đào tạo đã xây dựng một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với cơ sở dữ liệu đầy đủ và quy trình trực tuyến thuận tiện cho cả thí sinh và các trường.

Bà Thủy nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại trào lưu tuyển sinh sớm, vốn chỉ mới phổ biến trong khoảng 5-6 năm qua, một cách khách quan và tìm ra giải pháp căn cơ để giải quyết những bất cập phát sinh từ phương thức này.

Trước thông tin siết xét tuyển này, em Nguyễn Danh Tùng (Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra lo lắng. Tùng đã chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học sớm từ lớp 10, tập trung học SAT, IELTS và cải thiện học bạ. Hiện tại, Tùng đã có chứng chỉ SAT 1.450 và dự định thi IELTS vào cuối tháng 12 với mục tiêu đạt 7.0. Điểm trung bình 4 học kỳ của Tùng ở ba môn toán, lý, hóa đạt 8,7 - 8,9.

Tùng cho biết, mục tiêu lớn nhất của em là vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nguyện vọng 2 là Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi nhận kết quả SAT 1.450, em đã rất vui vì nghĩ rằng gần như đã chắc suất vào trường mơ ước. Năm ngoái, có đến 12/66 ngành của Kinh tế Quốc dân yêu cầu điểm cao hơn mức này. Tuy nhiên, với quy định mới chỉ còn 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, chỉ tiêu xét tuyển qua SAT sẽ bị thu hẹp. Em lo rằng điểm của mình sẽ không đủ để vào trường.

Tùng thừa nhận, từ khi nhận được kết quả thi SAT, em đã có tâm lý hơi "xả hơi". Mặc dù vẫn tham gia lớp tăng cường toán, lý, hóa ở trường, nhưng em không thực sự tập trung như trước. Tuy nhiên, tuần trước, Tùng đã quyết định đăng ký một lớp ôn thi tại trung tâm với tần suất 2 buổi/tuần cho mỗi môn và bắt đầu học kín các chiều tối từ thứ Hai đến thứ Bảy. Dù vậy, Tùng vẫn lo ngại mình sẽ không kịp theo kịp các bạn đã tập trung ôn thi từ lớp 10.