Những điểm rất mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau (hiện có 3 bộ). Việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Đề thi không dựa vào sách giáo khoa mà căn cứ vào chương trình giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với “quy mô, tính chất rất mới” và “rất hệ trọng”. Ngoài đáp ứng tiêu chí giảm áp lực và tốn kém, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã đưa ra thông tin về một số điểm mới dự kiến trong dự thảo Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, kỳ thi này dự kiến có 6 điểm mới quan trọng.

thi-tot-nghiep-1726720266.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có “quy mô, tính chất rất mới”

Thứ nhất, thời gian tổ chức thi rút ngắn từ 4 buổi, xuống còn 3 buổi thi. Thứ hai, bổ sung thêm Tin học, Công nghệ (công nghiệp, nông nghiệp) vào môn lựa chọn thi của thí sinh. Đồng thời bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm). Việc này nhằm tăng tính phân hóa của đề thi.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức thi. Theo đó, tất cả các đối tượng tham gia thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp.

Đề thi cũng có có thêm phương thức truyền tải mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ, đảm bảo nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Thứ tư, điểm thi, phòng thi được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển như cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau, thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất và ưu tiên sắp xếp theo cùng môn tự chọn.

Thứ năm, tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm đánh giá toàn diện năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi. Đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp.

Thứ sáu, bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.

thi-tot-nghiep-1-1726720266.jpg
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không dựa vào sách giáo khoa mà căn cứ vào chương trình giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, một chương trình và có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau (hiện có 3 bộ). Việc dạy, học và kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực. Đề thi không dựa vào sách giáo khoa mà căn cứ vào chương trình giáo dục.

Kỳ thi này đánh dấu một mốc thay đổi rất lớn, lần đầu tiên đánh giá học sinh về phẩm chất và năng lực cần đạt. Đây được coi như định hướng mang tính triết lý mới của giáo dục Việt Nam: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, phát huy cao nhất khả năng, năng khiếu của từng cá nhân.

Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những bước chuẩn bị như: Công bố phương án thi 2+2 (2 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn), 17 đề thi minh họa để các nhà trường định hướng giảng dạy và ôn luyện, ấn định ngày thi sớm, tập huấn xây dựng đề kiểm tra, thi theo định dạng mới của Bộ cho cán bộ và giáo viên... Đồng thời, yêu cầu các trường đại học xây dựng và công bố sớm phương án tuyển sinh năm 2025.