Cảnh báo rủi ro từ vụ hàng trăm xe điện không rõ xuất xứ bị thu giữ

Những xe điện có thương hiệu đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc, thương hiệu được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được kiểm định quy chuẩn an toàn.

Mới đây, Đội Quản thị trường số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Định phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 89H-012xx, phát hiện 93 xe máy điện các loại và 413 sản phẩm phụ tùng xe điện. Được biết đây là xe chở hàng từ Lạng Sơn vào TP. HCM.

Xe điện không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng thu giữ

Cũng khoảng thời gian này, Đội Quản thị trường số 3 tiếp tục kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 89H-xxx.30, phát hiện và tạm giữ 26 chiếc xe đạp điện, 41 chiếc xe máy điện các loại và 1.000 chiếc đèn (led) xe điện, 5 động cơ xe điện, 5 bộ điều khiển. Xe đi Bắc Giang đến các tỉnh phía Nam.

Thời điểm kiểm tra, các lái xe không xuất trình được hóa đơn hợp lệ, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ khoảng 1 tỷ đồng.

Hiện nay, các mẫu xe điện phổ biến trên thị trường sử dụng 2 loại động cơ là ắc quy và pin 100%. Những xe điện có thương hiệu đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc, thương hiệu được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được kiểm định quy chuẩn an toàn.

Nhất là gần đây, một số địa phương xảy ra cháy nổ nghi có liên quan đến xe đạp điện và xe máy điện không đảm bảo an toàn. Do đó, người dân cần thận trọng, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ các loại xe đạp điện, xe máy điện. Điển hình trong đó là bình ắc quy xe có các mối nối, nếu không được cách điện tốt thì có thể phóng điện, dẫn đến cháy nổ hệ thống.

Khi một chiếc xe bị cháy, nổ bình điện/ắc quy sẽ lan ra các xe khác dẫn đến tình trạng nổ lớn. Như trong vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính (Hà Nội), nhiều nhân chứng cho biết nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trước khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Điều này cho thấy, việc cháy xe điện theo hệ thống là có thể xảy ra.

Ắc quy lâu ngày không thay cũng có thể gây cháy nổ (Ảnh: Khải Phạm)

Trung tá Phạm Huy Quang - Khoa Phòng cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, sự nguy hiểm cháy nổ của xe điện liên quan chủ yếu tới kích thước và dung lượng của các khối pin.

Các khối pin có năng lượng càng lớn thì càng dễ gây ra những rủi ro về cháy. Một khi pin xe điện cháy sẽ rất khó kiểm soát. Pin Lithium-ion (pin thường sử dụng cho xe điện) cháy ở nhiệt độ cực cao, có thể kéo dài nhiều ngày và gây ra thiệt hại lớn. Chúng có thể bùng phát trở lại ngay sau khi ngọn lửa tưởng như đã được dập tắt. Nếu không được quản lý đúng cách, cháy pin có thể thải ra khí và chất hóa học cực độc trong nhiều giờ và rất khó xử lý.

Nhiều chuyên gia về xe điện cho hay, thực chất loại phương thiện này không dễ cháy nổ, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách thì vẫn có thể xảy ra những trường hợp không mong muốn. Nhiều người mua xe điện giá rẻ rồi cứ thế đi không quan tâm đến bảo dưỡng định kỳ nên nguy cơ xảy ra cháy nổ cao hơn.

Đặc biệt, xe điện nếu sạc qua đêm, quá thời gian pin mà không được rút điện cũng có thể xảy ra cháy nổ. Hay pin/ắc quy sử dụng lâu ngày, bị chai cũng gia tăng nguy cơ dẫn đến cháy nổ.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn mu axe của những thương hiệu uy tín, được kiểm định về độ an toàn. Không mua những dòng xe giá rẻ, trôi nổi trên thị trường, xe Trung Quốc không rõ nguồn gốc, không có nhà phân phối uy tín.

Quá trình sử dụng, người dân cần tuân thủ cần chở đúng số người quy định, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng ắc quy, pin và hệ thống điện. Một trong những lưu ý quan trọng khi sử dụng xe điện là cần thay bình ắc quy hoặc pin sau khoảng 2 năm sử dụng.