Hiểu đúng thông tin “chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận”

Sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP, nhiều người cho rằng với quy định mới, khi chuyển khoản nhầm thì có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người nhận. Tuy nhiên, ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã giải thích kỹ hơn về điều này.

Mới đây, ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang được lưu hành, 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.

Giai đoạn 2021 - 2023, số lượng giao dịch thanh toán bình quân qua kênh internet tăng trưởng ở mức 52%, mobile là 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Ngân hàng Nhà nước)

Riêng 4 tháng đầu năm nay, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy, xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Anh Dũng chia sẻ cụ thể hơn về thông tin “chuyển nhầm tiền có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận”. Vì theo ông, nhiều người đang hiểu nhầm thông tin này.

Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nội dung Điều 11 của Nghị định quy định: Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.

Nhiều người cho rằng, với quy định mới này, khi chuyển khoản nhầm thì có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người nhận. Tuy nhiên, ông Lê Anh Dũng cho biết, khi khách hàng đã đi một lệnh chuyển tiền liên ngân hàng đến tài khoản khác thì khách hàng không có quyền kiểm soát tài khoản đó. Dù lấy lý do chuyển nhầm, khách hàng thông qua ngân hàng để khiếu nại với bên nhận cũng không thể đảo ngược lại giao dịch.

Quyền phong tỏa phải theo yêu cầu của cơ quan bảo vệ pháp luật (tòa án, viện kiểm soát, công an) đến một cấp nào đó, như cấp huyện. Không có chuyện chuyển nhầm tiền đến một tài khoản khác, rồi có thể tự động đến ngân hàng đầu bên kia để yêu cầu họ phong tỏa ngay tài khoản người nhận. Làm vậy thì sẽ có những hệ lụy, rủi ro rất lớn nếu có sự tùy tiện, sai lầm của người chuyển. Phải rất cẩn trọng để bảo vệ các bên liên quan.

Xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

Như vậy, hiểu đúng quy định trên là việc phong tỏa toàn bộ hay một phần số tiền trong tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển. Tức là ngân hàng chuyển sai thông tin so với lệnh thanh toán của khách hàng, lỗi này hoàn toàn từ phía ngân hàng. Đồng thời, trong trường hợp này, bên yêu cầu hoàn trả lại tiền chuyển nhầm cũng là phía ngân hàng.

Do đó, trường hợp chuyển nhầm tiền, người dân không có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người nhận. Nếu chuyển nhầm tiền cho người khác, người dân nên liên hệ ngay với ngân hàng giao dịch để xác minh việc nhầm lẫn.

Ngân hàng sẽ kiểm tra, rà soát giao dịch đã phát sinh. Nếu xác nhận được thông tin giao dịch do lỗi từ phía ngân hàng, thì ngân hàng sẽ tiến hành yêu cầu phong tỏa số tiền đã gửi vào tài khoản của bên nhận. Nếu ngân hàng xác nhận được thông tin giao dịch hoàn toàn trùng khớp với lệnh thanh toán của khách hàng thì không có quyền phong tỏa tiền chuyển nhầm hay hoàn trả lại.

Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cung cấp thông tin của người nhận tiền chuyển nhầm cho khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng có thể sẽ hỗ trợ bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả. Qua một thời gian, phía ngân hàng không liên lạc được với người nhận hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả tiền, người dân nên trình báo công an. Thực tế, nhiều trường hợp người nhận tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản do cố tình không hoàn trả.